Dân Việt

90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn: Tự hào tinh hoa người Việt cổ

Lê Tâm 19/11/2014 10:57 GMT+7
Sáng 18.11, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), trưng bày “Văn hóa Đông Sơn” đã được khai mạc nhân dịp kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu nền văn hóa rực rỡ này. Những tinh hoa của người Việt cổ cho đến ngày hôm nay vẫn khiến hậu thế tự hào. 

Hàng trăm hiện vật tiêu biểu

Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1-2 sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã, TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa). TS Nguyễn Văn Đoàn- Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Di vật của văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, được làm từ nhiều chất liệu như đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… song nổi trội hơn cả là bộ sưu tập hiện vật đồng thau. Theo chức năng sử dụng, chúng thuộc nhiều sưu tập khác nhau như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức, nghệ thuật và đồ minh khí. Những sưu tập này đã góp phần tạo nên diện mạo phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn”.

imgTrưng bày trống đồng tại phòng trưng bày “Văn hóa Đông Sơn”.     Hà Thu 

 

Để có được cuộc trưng bày nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, hàng loạt bảo tàng của các tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái… đã cùng phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia để cùng giới thiệu những hiện vật đặc sắc, tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn đến công chúng.

Đến tham quan phòng trưng bày lớn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khách tham quan sẽ cảm thấy choáng ngợp trước sự phong phú của những hiện vật được giới thiệu tại đây theo các mảng đề tài: Sưu tập hiện vật di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh), Đồ dùng sinh hoạt, Công cụ lao động, Đồ minh khí. Rất nhiều những chiếc trống đồng nổi tiếng như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Miếu Môn, các công cụ lao động như rìu, lưỡi cày, đục, dùi, lưỡi câu, quả cân… rồi đồ dùng sinh hoạt như thạp, thố, bình, muôi, bát, đèn hình người quỳ, tượng hươu đỡ đĩa đèn, đồ trang sức như vòng, khuyên tai, trâm cài đầu, hạt chuôi, khóa thắt lưng… Ngoài ra, ấn tượng nhất có lẽ là bộ sưu tập vũ khí với nhiều loại hình khác nhau như rìu chiến, dao găm, giáo, mũi tên, nỏ, kiếm ngắn, hộ tâm phiên…

Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu đã chứng minh cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài và liên tục, trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt. Văn hóa Đông Sơn là cơ sở vật chất và là sự thể hiện sinh động hình ảnh nhà nước Văn Lang- Âu Lạc được hình thành và phát triển ở khu vực miền Bắc Việt Nam hiện nay, trong trào lưu chung của khu vực từ khoảng hơn 2.000 năm trước.

Ưu thế vượt trội trong khu vực

Chiều 18.11, một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn” có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ trong nước và quốc tế cũng đã được tổ chức để thêm một lần nữa vinh danh nền văn hóa mang đậm tính bản địa này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng- người đã thực hiện nhiều cuộc khảo cổ tại di tích Bãi Cọi ở Hà Tĩnh cho biết: “Di tích Bãi Cọi với vị trí địa lý nằm ngay cạnh một nền văn hóa nổi tiếng- văn hóa Đông Sơn nên chịu ảnh hưởng từ văn hóa này, đặc biệt là loại hình lưu vực sông Mã và sông Cả. Sự ảnh hưởng này thể hiện trên phương diện táng thức và trên các loại hình dị vật tiêu biểu trong ngôi mộ cổ ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Kết quả của 3 lần khảo cổ cho thấy đây là ngôi mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh nhưng có giao lưu, ảnh hượng mạnh với văn hóa Đông Sơn”.

Tác giả Đinh Văn Mạnh nhận xét: “Trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, văn hóa Đông Sơn đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật chất đồ sộ. Di sản ấy trước hết được cư dân Đông Sơn tạo dựng trên nền tảng sức mạnh nội sinh, với những tri thức, kinh nghiệm về đúc đồng, làm thuyền, canh tác nông nghiệp được tích lũy qua ngàn năm. Song, với vị trí “ngã ba đường”, là nơi hội tụ, gặp gỡ giữa các nền văn minh, văn hóa lớn, Đông Sơn nằm trong mối quan hệ nhiều mặt với các nền văn hóa khác. Trong đó, trao đổi thương mại là khía cạnh quan trọng, góp phần làm cho văn hóa Đông Sơn trở nên phong phú và đa dạng hơn”.

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, chính sự phát triển rực rỡ trên nền tảng nội sinh của Đông Sơn mới khiến Đông Sơn trở thành một trong những nền văn hóa giai đoạn sắt sớm rực rỡ bậc nhất, lan tỏa rộng và có sức sống mạnh mẽ. Hơn nữa, những tinh hoa Đông Sơn còn được lan tỏa trong cả chiều không gian và thời gian thông qua những hiện vật khảo cổ mà rất dễ nhận ra chúng thuộc về Đông Sơn hay phong cách Đông Sơn. Chẳng hạn nhà tiền sử học Sieveking cho rằng kỹ nghệ chế tác đồ sắt ở bán đảo Malaysia có nguồn gốc từ truyền thống đồ đồng có họng tra cán phổ biến trong văn hóa Đông Sơn.

Trong mạng lưới trao đổi thương mại sầm uất ở Đông Nam Á trong thời đại sắt sớm, Đông Sơn nổi lên như một thực thể văn hóa có nội lực mạng, sức ảnh hưởng và lan tỏa trong khu vực. Kỹ thuật đi thuyền, làm thuyền, kỹ thuật luyện kim… của cư dân Đông Sơn đều thể hiện sự vượt trội và có ưu thế so với khu vực.