Chọn ảnh bìa cẩu thả
Không chỉ nghệ sĩ Công Lý mới bị lấy ảnh cắt ghép lên làm bìa mà không xin phép, có rất nhiều trường hợp khác cũng bị tương tự như vậy. Nhà báo L.T.L đang công tác ở một tờ báo điện tử gần đây cũng tá hỏa khi thấy ảnh cưới của vợ chồng anh được lấy làm ảnh bìa cho cuốn sách “Cẩm nang vợ chồng trẻ” của tác giả Đức Thành do Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Thông tin ấn hành. Anh L cho biết, anh không biết lý do vì sao mà bức ảnh cưới của vợ chồng mình lại lọt vào tay của NXB và họ ngang nhiên sử dụng làm ảnh bìa cho một cuốn sách và không thèm hỏi ý kiến nhân vật trong ảnh cũng như tác giả bức ảnh.
Nhà văn Đàm Hà Phú- Tổng Giám đốc Công ty Không gian đẹp mới đây cũng cho biết bức ảnh anh chụp một người bạn cũng bị lấy đưa lên làm bìa cho một tập truyện trinh thám mà anh không hề hay biết. Trên trang cá nhân của mình, nhân vụ nghệ sĩ Công Lý bị đưa ảnh làm bìa cho sách luật, nhà văn Đàm Hà Phú viết: “Không hiểu sao tấm ảnh tôi chụp một người bạn lúc hai đứa uống rượu vào một đêm mùa đông mưa gió lạnh lẽo ở Đà Nẵng 2 năm về trước lại trở thành bìa một cuốn sách có cái tựa như thế này. Tôi nửa vui nửa buồn, vui vì ảnh mình chụp dù thiếu sáng và “out nét” vẫn có người xài, buồn vì tình hình bản quyền ở Việt Nam hiện nay”. Và tệ hơn vụ bức ảnh cưới của nhà báo L.T.L là bức ảnh chân dung người bạn của anh Đàm Hà Phú bị dùng làm bìa cho cuốn sách với cái tên rất giật gân: “Kẻ sát nhân không bao giờ bị bắt” của tác giả Nguyễn Thanh Hoàng do NXB Hồng Bàng ấn hành. Nhân vật trong bức ảnh tâm sự với phóng viên Báo NTNN: “Họ dùng ảnh chân dung để minh họa cho một cuốn sách với cái tên như vậy là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến cá nhân tôi”. Trong những trường hợp này, nhân vật trong ảnh và tác giả bức ảnh hoàn toàn có quyền khởi kiện 2 NXB nói trên ra tòa vì tội đã vi phạm bản quyền và quyền nhân thân của họ.
Ngày 17.11, sau khi vụ việc bị lấy hình cắt ghép đưa lên ảnh bìa mà không xin phép, nghệ sĩ Công Lý cho biết phía NXB Lao động- Xã hội đã điện thoại hẹn gặp anh để làm việc về vụ việc này. Lời xin lỗi được đưa ra, nhưng điều Công Lý quan tâm nhất là những cuốn sách đã đến tay độc giả sẽ xử lý thế nào, và hình ảnh của anh đã bị đưa ra sử dụng một cách đùa cợt, phản cảm.
Trăm kiểu sai sót
Ngoài chuyện lấy ảnh không xin phép để làm bìa, nhiều NXB còn cẩu thả đến mức không kiểm tra lại sách trước khi xuất bản, để những lỗi sai ngớ ngẩn gây bức xúc cho người đọc. Chẳng hạn quyển sách “Lịch sử và nghệ thuật ca trù” (một tác phẩm thuộc “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”), ngoài bìa thì đề là NXB Văn hóa Dân tộc nhưng bìa phụ bên trong lại đề tên NXB Văn hóa Thông tin. Cuốn “Chèo cổ xứ Nghệ” cũng bìa ngoài ghi NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, bìa trong lại chỉ đề là NXB Đại học Quốc gia. Cuốn “Văn học dân gian Ê Đê, Mơ Nông”, trên bìa sau ghi thời gian in và nộp lưu chiểu là quý 2 năm... 20121!
Sau vụ cuốn “Từ điển dành cho học sinh, sinh viên” của tác giả Vũ Chất, một cuốn từ điển mà có đến 4 NXB liên quan, không biết bao nhiêu công văn qua lại, giải trình mà cuối cùng vẫn không NXB nào biết tác giả Vũ Chất của cuốn từ điển “trứ danh” này là ai, hiện còn sống hay đã mất. Điều đó cho thấy, những sai sót trong lĩnh vực xuất bản ngày càng phổ biến và không ai có thể tiên liệu được rằng những lỗi sai này sẽ phát triển theo hướng nào. Vì lúc thì sai ảnh bìa như vụ lấy cờ Trung Quốc minh họa cho trường tiểu học Việt Nam, lúc thì sai cả nội dung như vụ từ điển Vũ Chất, hoặc sai một phần như việc NXB Văn hóa Thông tin đã lấy truyện thần thoại có “yếu tố người lớn” đưa vào sách cổ tích cho trẻ em... Mà những lỗi sai sót này toàn do độc giả phát hiện, báo chí đưa tin thì các NXB mới biết và tìm cách sửa chữa, chưa bao giờ hoặc rất hiếm trường hợp NXB tự phát hiện ra lỗi sai trước khi phát hành sách.
Vấn đề những sai sót trong xuất bản hiện nay đã lên tới mức báo động cho thấy một bộ phận lớn những người làm ở lĩnh vực này vừa thiếu tâm và thiếu tài. Nhìn chung, tất cả các vụ sai sót tày trời trong xuất bản từ trước tới nay bị phát hiện phần lớn đều ở sách liên kết. Vấn đề đặt ra là cần siết chặt chức năng liên kết xuất bản của các NXB với các đơn vị tư nhân, bởi sự lỏng lẻo, phó mặc cho đơn vị liên kết trong thời gian qua đã làm cho thị trường sách bị lẫn lộn giữa “sách” và các loại “rác thông tin”. Nếu không, các NXB sẽ chỉ mãi mãi chạy theo sau để chịu phạt và sửa sai các loại lỗi trong xuất bản, còn người đọc thì mất tiền oan mua rác về nhà.