Giúp dân bỏ rượu, thuốc lá
Đến bất kỳ đám cưới, hội hè hay vào hàng quán nào ở bản Cu Pua bạn sẽ không hề thấy một giọt rượu, gói thuốc lá. Điều đó quả thật lạ lùng. Nhưng 9 năm nay, bản làng này không ai dùng đến thứ đó. Không phải thói quen, phong tục mà vì họ đã nhận ra sự nguy hại của bia rượu, thuốc lá từ lời vận động, tuyên truyền của người cán bộ trẻ Hồ Ê Nót.Từ khi lên 10 tuổi, Hồ Ê Nót đã học đòi người lớn trong bản hút thuốc lá. Không có tiền mua thuốc, Nót lấy đồ của gia đình, hàng xóm để thỏa mãn cơn nghiện. Đến khi 15 tuổi, Nót tiếp tục dính vào rượu bia, lang thang đầu làng cuối xóm gây gổ đánh nhau. Năm 22 tuổi, Nót lấy vợ nhưng vẫn không chịu làm ăn, suốt ngày la cà quán xá rượu chè say xỉn. Kinh tế gia đình ngày càng đi xuống, vợ chồng lục đục, đánh nhau suốt ngày. Những tưởng Nót sẽ không bao giờ quay đầu... Vậy mà năm 1997, nhờ có trình độ lớp 6/12, Nót vẫn được xã và bà con trong bản “giao” làm cán bộ y tế thôn bản kiêm chức Chi hội trưởng Chi hội... Phụ nữ bản Cu Pua! “Vì trong bản chỉ có mình biết chữ nên được bà con cho giữ 2 chức một lúc” – anh Nót cười hiền, giải thích.
Kiến thức đầu tiên Nót tiếp nhận khi được tập huấn sức khỏe y tế thôn bản là tác hại của bia rượu, thuốc lá. Cũng từ đó anh bắt đầu vận động bà con trong bản bỏ rượu, bỏ thuốc lá; là cán bộ, Nót phải gương mẫu đi đầu. Công cuộc bỏ thuốc lá thật gian nan, phải mất 6 năm ròng, đến năm 2003, Hồ Ê Nót mới cai được thuốc lá, rượu bia và trở thành người đầu tiên ở bản Cu Pua bỏ được 2 thứ nhiều tác hại này. Và để vận động bà con bỏ được rượu, thuốc lá, mỗi ngày, đêm Nót phải đến từ nhà già làng, trưởng bản cho đến từng hộ dân để vận động.
Với những lời khuyên răn tận đáy lòng, Nót đã giúp dân bản nhận thức được bia rượu, thuốc lá tác hại thế nào. Ông Hồ Văn On (55 tuổi) - dân bản Cu Pua cho biết: “Trước đây mình thuộc diện nghiện nặng, thuốc lá, rượu bia gì cũng chơi tuốt. Gia đình vì thế mà nghèo, con cái thất học. Từ ngày bỏ được thói xấu, sức khỏe mình tốt hơn, làm việc nhiều hơn nên giờ mình khá giả rồi”.
Đưa trường về bản
Nói thế không phải anh Nót giàu có gì để có tiền đầu tư xây trường học cho bản, mà công lao của anh là đã 3 lần hiến đất xây trường, mang con chữ gần hơn với bản Cu Pua. Anh Nót cho biết, sở dĩ dân bản ít học là vì không có điều kiện, với lại muốn đến trường cũng phải mất vài giờ đi bộ. Giấc mơ đến trường là niềm mong mỏi bấy lâu của bà con. Năm 2011, nghe tin có dự án về tận bản xây trường cho con em, ngay lập tức anh hiến 1.500m2 xây trường tiểu học. “Tấc đất tấc vàng. Đúng thật. Nhưng đổi lại con em trong bản không phải trèo đèo lội suối đến trường thì hiến chừng đó đất có đáng là bao” – anh Nót tâm sự.
Thấy cảnh bố mẹ cõng con nhỏ (độ tuổi mầm non) hàng ngày vượt hàng cây số giữa mưa to gió lớn đến điểm trường chính ở trung tâm xã, anh Nót lại hiến 500m2 đất để xây nhà sinh hoạt cộng đồng và ngôi nhà đó cũng là “điểm trường” mầm non của bản, và anh còn hiến thêm 500m2 đất nằm liền kề căn nhà sàn của gia đình anh để xây trường mẫu giáo. Chưa hết, thương các cô giáo miền xuôi cắm bản không có nơi nấu nướng, anh đã hiến luôn căn bếp của gia đình để hàng ngày cô trò trường mầm non bản Cu Pua cùng chung bữa ăn đạm bạc với gia đình.
Thấy cây đót mọc rất nhiều mà chị em trong bản không biết tận dụng, vốn gia đình có nghề làm chổi đót, Hồ Ê Nót nghĩ ngay đến việc truyền nghề cho chị em để kiếm thêm thu nhập. Với đôi tay khéo léo cùng với lòng nhiệt huyết của mình, Hồ Ê Nót đã cầm tay chỉ việc, dạy cho chị em bản Cu Pua làm ra những chiếc chổi đót mang thương hiệu của vùng rẻo cao nghèo khó.