Dân Việt

Chủ tịch Quốc hội: “Bộ trưởng Thăng có những cam kết rất quyết đoán”

Hải Phong 19/11/2014 09:51 GMT+7
Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vào lúc 8 giờ 30 sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá: Tôi rất mừng khi Bộ trưởng có những cam kết rất quyết đoán, với tinh thần đã nói là làm, hứa thì phải thực hiện.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Đinh La Thăng, đã có 21 ĐB đã đặt câu hỏi, có ĐB hỏi lại, có ĐB chia sẻ, góp ý, đề xuất ý kiến. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của ĐB đều đặt thẳng vấn đề, rõ ràng để bộ trưởng trả lời. Về phía Bộ trưởng Thăng, dù mới làm Bộ trưởng 3 năm vài tháng, nhưng rõ ràng thông qua công việc, thông qua trả lời chất vấn, có thể nói ngành giao thông – vận tải đã có những chuyển biến theo hướng tiến bộ, đảm nhận trọng trách là rất rõ. Bộ trưởng đã trả lời thẳng vấn đề ĐB đặt ra và đưa ra những giải pháp cụ thể. “Tôi rất mừng vì Bộ trưởng có những cam kết rất quyết đoán với tinh thần đã nói là làm, hứa thì phải thực hiện. Hứa với ĐB cũng là hứa với đồng bào cử tri cả nước”, Chủ tịch nhấn mạnh.

img
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội gom lại ngay những lời hứa, lời cam kết của Bộ trưởng Thăng trước Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 18.11 và nửa tiếng sáng 19.11, đó là: Cam kết cuối năm sau hoàn thành Quốc lộ 1A sớm trước 1 năm; Cam kết dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh an toàn; Cam kết cầu treo ở vùng sâu vùng xa sẽ hoàn thành trong 3 năm nữa; Cam kết sẽ sớm hoàn thành đường nông thôn cấp xã, hầm chui dân sinh cho người dân ở Gia Lâm, cầu Bình Khánh...

Đến cuối năm 2015 sẽ xử lý hết xe quá tải, xe "hổ vồ"

Trước đó, vào đầu giờ sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đăng đàn để trả lời tiếp câu hỏi của một số vị ĐB từ chiều hôm trước. Trả lời thêm ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về giải pháp xử lý xe quá tải trọng và câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về sự tồn tại gây bức xúc của loại xe quá tải mà người dân thường gọi là xe "hổ vồ" (Howo) ở nhiều địa phương, ông Thăng cho biết: Việc kiểm soát tải trọng phương tiện là trọng tâm của ngành trong 2014 và năm 2015. Với các giải pháp đồng bộ hiện nay, xe quá khổ quá tải đã giảm mạnh, nếu tiếp tục quyết liệt hơn, đồng bộ hơn từ T.Ư tới địa phương thì sẽ làm được. Ngoài ra, sắp tới bộ triển khai hệ thống cân tự động ngoài hệ thống cân cố định, hệ thống này sẽ được lắp tại các trạm thu phí trên toàn quốc.

Một số biện pháp được Bộ trưởng Thăng đưa ra là: Ký cam kết các chủ DN với các cơ quan quản lý cam kết không chở quá khổ quá tải. Các bến tàu, xe cũng phải cam kết không sắp xếp hàng quá tải. Tăng cường công tác đăng kiểm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động để lái xe, chủ phương tiện các cơ quan chức năng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo trật tự ATGT, tăng cường xử lý, phạt nặng hơn, yêu cầu xe quay trở lại chứ không chỉ hạ tải nữa. “Xe quá khổ quá tải tới cuối năm 2015 sẽ không còn chỗ tồn tại”, ông Thăng hứa.

Về loại xe "hổ vồ", theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có trên 21.000 xe "hổ vồ", có hơn 6000 xe đã cải tiến thùng để chở quá tải, lực lượng chức năng đã xử lý cắt thùng hơn 1000 xe và sẽ cắt bỏ nốt trong thời gian tới.

Rà soát chủ trương đầu tư, tiết giảm gần 40.000 tỷ đồng

Trả lời ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) về việc Bộ đã thực hiện rà soát lại chủ trương đầu tư dự án ra sao, tiết kiệm được bao nhiêu tiền và ai phải chịu trách nhiệm khi đưa ra chủ trương đầu tư lãng phí, Bộ trưởng Thăng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ đã rà soát lại 44 dự án về cả chủ trương đầu tư, quy mô và phân kỳ đầu tư, bước đầu đã tiết giảm 39.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Thăng cũng cho biết ví dụ, riêng với các loại cầu quá hạn, đáng phải đập đi, Bộ đã có giải pháp cho kiểm định và gia cường thời gian khai thác cầu, kết quả là hơn 7000 cây cầu cũ, quá đát đáng phải đập đi xây mới, nhưng Bộ đã cho gia cường lại để tiếp tục sử dụng, không phải đập đi, riêng khoản này đã tiết kiệm khoảng 1.531 tỷ đồng... Hoặc như với dự án cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) lúc đầu chủ trương làm cầu dây văng, vốn lên tới khoảng 2.600 tỷ bằng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, qua rà soát đã quyết định chuyển sang làm cầu bê tông, điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật nên đã giảm hơn 900 tỷ còn 1.700 tỷ. Nhờ vậy dự án này có thể chuyển được sang hình thức BOT, và tới tháng 7.2015 sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Thăng cũng cam kết những cầu này vẫn đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

Về xử lý trách nhiệm người ra chủ trương, ông Thăng cho biết trong trường hợp này không thể xử lý kỷ luật vì việc thay đổi chủ trương đầu tư là do chính chủ đầu tư, chủ trương làm vì thấy có thể thay đổi để tiết kiệm trong hoàn cảnh Việt Nam đang tái cơ cấu đầu tư công. Việc thay đổi này không ảnh hưởng tới tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dự án.