Cháy ruột vì tưởng axit là nước ngọt
Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai từng cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Ngọc M (3 tuổi, trú tại Nam Định) trong tình trạng nôn mửa liên tục, mặt tái dại. Người nhà cho biết, bác của bé đã mua axit để đổ vào bình ắc-quy nhưng lại đựng trong vỏ chai nước ngọt C2 và để dưới gầm bàn. Bé M đã tưởng nước ngọt nên ngửa cổ tu một hơi.
Rất may axit loãng nên cháu bé không bị loét miệng, thủng thực quản. Nhưng trước đó có không ít trẻ uống nhầm axit dẫn đến những thương tổn vòm họng, thực quản rất nghiêm trọng, điều trị khó khăn.
Một ca hóc thạch được cứu sống rất hiếm hoi.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị ngộ độc, tổn thương do uống nhầm rượu, axit, thuốc trừ sâu, thuốc diệt mối, dầu luyn, chất tẩy rửa, nước xà phòng… đựng trong các chai nước khoáng, nước ngọt. Trước đó, Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã cấp cứu cho một bệnh nhi 13 tháng tuổi (Tuyên Quang) trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng. Bố bệnh nhân cho biết bé đã uống phải dầu luyn đựng trong chai nước ngọt. Tuy đã được cấp cứu qua cơn nguy kịch nhưng hậu quả lâu dài vẫn chưa lường hết được. Nhưng không phải trường hợp ngộ độc hóa chất nào cũng có thể cứu sống. Các bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) đã phải chứng kiến một bệnh nhân chết vì uống phải thuốc trừ sâu. Người mẹ (trú tại Bắc Cạn) sau khi đi phun thuốc về đã để chai thuốc dưới gầm bàn. Hai con của chị (1 đứa 3 tuổi, 1 đứa 4 tuổi) đã lấy uống và 1 bé đã tử vong.
Bác sĩ Đào Hữu Nam (Bệnh viện Nhi T.Ư) cảnh báo, việc các gia đình tận dụng chai, hộp đựng nước ngọt, thực phẩm, nước suối để đựng hóa chất lại để trong tầm với của trẻ em là vô cùng nguy hiểm. Trẻ em thường hiếu động và bồng bột, cứ thấy chai nước ngọt là ngửa cổ lên tu thẳng nên không kịp ngừng lại, hóa chất sẽ nhanh chóng ngấm vào lục phủ ngũ tạng gây ngộ độc, nặng thì tử vong, nhẹ cũng phải điều trị tốn kém, dễ để lại di chứng.
Trẻ em còn rất dễ bị hóc dị vật, phổ biến là xương cá, xương lợn trong thực ăn. Ngoài ra còn rất nhiều những vật nhỏ bé khác như kim băng, cắt móng tay, nhẫn, kim khâu, đồng xu, pin, các loại hạt, nhẫn, các bộ phận ở đồ chơi… Nhiều trường hợp cha mẹ không phát hiện được con hóc dị vật, chỉ khi con bị sốt cao, ho nhiều, khạc ra máu thì mới đưa con đi khám. Đến lúc này dị vật đã cắm sâu hơn vào thực quản, ruột làm thủng thực quản, thủng ruột, gây viêm nhiễm các bộ phận chúng di chuyển đến… Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) các ca tai nạn trẻ em khó cứu nhất lại là kẹo thạch. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) các ca tai nạn trẻ em hiểm hóc và đáng sợ nhất lại chính là hóc thạch. Bởi miếng thạch mềm, xuống đường thở dễ thay đổi hình dáng và ôm khít lấy đường thở, khiến trẻ em nhanh chóng bị ngạt và tử vong. Việc gắp dị vật cũng khó vì miếng thạch trơn và vỡ vụn. Những bé nào chống chọi được, rơi vào hôn mê thì cũng khó phục hồi do não đã thiếu oxy lâu. Trong hàng chục ca hóc thạch đến cấp cứu tại Khoa Nhi trong thời gian qua thì các bác sĩ cũng chỉ cứu được 1 ca là bệnh nhi 14 tháng tuổi (trú tại Bắc Giang) nhờ miếng hóc nhỏ, không ôm chặt lấy đường thở.
Ngoài ra, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên cấp cứu các ca ngộ độc thuốc ở trẻ em. Kịch bản thường là người lớn để thuốc vung vãi nên trẻ nhỏ 3-4 tuổi tưởng là kẹo nên ăn nhầm, dẫn đến ngộ độc. Không ít ca đã không thể cứu được.
Việc các gia đình tận dụng chai, hộp đựng nước ngọt, thực phẩm, nước suối để đựng hóa chất lại để trong tầm với của trẻ em là vô cùng nguy hiểm. Trẻ em thường hiếu động và bồng bột, cứ thấy chai nước ngọt là ngửa cổ lên tu thẳng nên không kịp ngừng lại, hóa chất sẽ nhanh chóng ngấm vào lục phủ ngũ tạng gây ngộ độc, nặng thì tử vong, nhẹ cũng phải điều trị tốn kém, dễ để lại di chứng” - Bác sĩ Đào Hữu Nam
Vì yêu mà hại con
Thời gian trước, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), một người bố chơi đùa với con đã tung con lên cao. Kết quả, đứa con (10 tháng tuổi) va đầu vào cánh quạt đang quay bị nứt sọ, dập não. Trước đó, bé gái cũng bị chấn thương xương sống bởi mẹ tung con lên cao rồi bắt trượt…
Những dị vật được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư lấy ra từ cơ thể trẻ.
Tại Bệnh viện Thanh Hóa cũng đã phải cắt bỏ 5 ngón chân của bé gái 5 tuổi. Nhà nghèo, thời tiết lạnh nhưng bé gái vẫn đi chân đất. Đến tối, người mẹ thấy chân con quá lạnh, thương con liền ngâm chân con vào chậu nước nóng khoảng 40 độ C. Kết quả đôi chân của em bị bỏng lạnh, dẫn đến hoại tử. Mùa lạnh, tại Viện Bỏng Quốc gia thường xuyên tiếp nhận những ca trẻ em bị bỏng nước sôi, bỏng đồ ăn, ngã vào bếp sưởi do sự vô ý, bất cẩn của người lớn...
Chị Nguyễn Thị Lan (Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Thỉnh thoảng đọc thấy các ca tai nạn trẻ em tôi thường nghĩ đến việc sơ ý hàng ngày tôi làm mà rung mình. Trong nhà có 2 đứa trẻ dưới 5 tuổi nhưng tôi các đồ vật nhỏ thường xuyên vung vãi. Nhưng thi thoảng tôi cũng nhìn thấy con đưa các vật linh tinh vào miệng, may mà chưa hóc. Việc tung hứng, cõng con quay vòng cũng thường làm, thấy con cười khanh khách lại càng khoái chí. Nhưng cũng có lần tôi tung con lên khiến cháu cong ngược cả lưng, đau khóc thét, may mà sau đó lại đi đứng bình thường. Từ đó tôi cạch hẳn”.
TS Dũng cho biết, đối với trẻ nhỏ sẽ không thể lường được lúc nào các em xảy ra tai nạn, do đó, khi gia đình có con nhỏ, mọi người thường dọn dẹp trong nhà gọn gẽ, tránh để đồ vật dễ đổ, dễ vỡ hoặc các vật dụng nhỏ khiến trẻ em ăn vào bị hóc. Để hóa chất, thuốc tránh xa tầm tay với của trẻ em. Không để trẻ em lại gần bếp, nơi có nước sôi, các ổ điện cũng nên di chuyển lên cao hoặc bịt kín. Trong việc chăm nuôi, chơi đùa cũng không nên có các hoạt động quá mạnh, gây tổn thương cho trẻ.