Dân Việt

Bình sâm “khủng”, quý hiếm ở trụ sở TP.Tam Kỳ có nguồn gốc từ đâu?

Trương Hồng 19/11/2014 19:01 GMT+7
Sáng nay (19.11) trong buổi tiếp các phóng viên tại phòng tiếp khách của UBND TP.Tam Kỳ thông tin về vụ trộm đột nhập trụ sở ủy ban lục lọi giấy tờ, hồ sơ, các phóng viên đã được tận thấy bình sâm Ngọc Linh được cho là "độc nhất vô nhị".

Quan sát thấy bình sâm cao khoảng 1m, dạng bình tròn, phía bên trong có đến vài chục củ sâm Ngọc Linh quý hiếm nối gắn dính với nhau tạo thành một củ “sâm khủng” rất đẹp mắt.

img

“Lóa mắt” với bình sâm Ngọc Linh "khủng", quý hiếm ở phòng tiếp khách UBND TP.Tam Kỳ.

Phía trên miệng bình sâm có dán một tờ giấy với nội dung: "Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My kính tặng" và thêm nội dung chi tiết về loại sâm quý hiếm này: “Sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm K5, là một loại dược liệu quý hiếm có tác dụng bồi bổ cơ thể, cầm máu, chữa rắn cắn, tiêu chảy hoặc đau bụng. Ngày nay khoa học đã nghiên cứu sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress tâm lý, giải độc gan, tác dụng trên nội tiết tố, chống lão hóa, đặc biệt phòng chống ung thư, điều hòa huyến áp…”.

>> “Gã” nông dân cho chim uống... sâm Cao Ly và giấc mơ thả sâm cầm xuống hồ Tây

Khi được hỏi về bình sâm Ngọc Linh quý này, ông Nguyễn Minh Nam, Chánh Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ cho biết, bình sâm do huyện kết nghĩa Nam Trà My tặng để trưng bày quảng bá về sâm Ngọc Linh.

img

Bình sâm Ngọc Linh "khủng", quý hiếm được Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My tặng UBND TP.Tam Kỳ.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Bình sâm đó là huyện tặng theo tình kết nghĩa. Nhiều củ nhỏ gắn dính lại chứ không phải một củ, cái này là do bà con nông dân góp lại tặng chứ không phải lấy tiền nhà nước mua tặng. Tặng để mục đích quảng bá sâm Ngọc Linh, không phải tặng cho vui đâu. Trưng đó, nếu khách quốc tế hay khách gần xa đến nhìn thấy được giá trị sâm Ngọc Linh và cũng quảng bá được sản phẩm sâm của bà con nông dân trồng nữa...”.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới…

Được biết, sâm Ngọc Linh là một loại sâm cực kỳ quý hiếm chỉ được trồng tại núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện miền núi cao Nam Trà My với độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.