Sau 2 lần trì hoãn, đầu tháng 11.2014, quyết định tăng lương đã được thông qua, tuy nhiên đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng quyết định này cho thấy chưa giải quyết được vấn đề cơ bản là đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người lao động, "chưa làm mát hơn cuộc sống của người thu nhập thấp". Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (TP.Hà Nội) thì đặt câu hỏi: Bộ có giải pháp gì để tăng lương có tác động tích cực đến người lao động, để việc tăng lương không mang tính hình thức như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, việc tăng lương vừa qua đúng là chưa hỗ trợ nhiều cho người lao động.
Trả lời, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận tiền lương mới đảm bảo trên 60% mức sống tối thiểu. “Nâng lương lần này chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương. Lý do vì theo lộ trình lẽ ra giai đoạn 2015-1016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do ngân sách khó khăn nên phải đi từng bước, phải giãn lộ trình”- Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, năm nay do khả năng ngân sách, nếu tăng lương cho đối tượng hưởng lương ngân sách thì không có nguồn. Nhưng do yêu cầu, bất cập trong lương tối thiểu của công chức (1.050.000 đồng và lương tối thiểu vùng của LĐ khối doanh nghiệp phân theo khu vực (khu vực 1 là 3.100.000 đồng) có sự chênh lệch lớn nên dù khó khăn vẫn quyết định tăng lương.
Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Nông) bày tỏ lo ngại việc quy định lương tối thiểu cho LĐ khối doanh nghiệp sẽ làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, nhất là với những vùng khó khăn. Tuy nhiên, bà Chuyền phản bác, việc tăng lương tối thiểu vùng đã được tính toán, cân nhắc dựa trên nhu cầu mức sống tối thiểu và tính chất kinh tế vùng...
Bà Chuyền giải thích thêm, tiền lương ở nước ta hiện tại đang chia làm hai khu vực. Lương sản suất theo thị trường – tức là lương trong khu vực doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải được quyền xác định tiền lương, Nhà nước chỉ quy định mức sàn tối thiểu. Riêng tiền lương trong lĩnh vực công chức, viên chức sẽ được tính dựa trên thang lương tối thiểu nhân với hệ số.
Một trong những vấn đề nóng được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Chuyền là vấn đề dạy nghề nói chung và dạy nghề cho nông dân nói riêng. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi thẳng: “Hiệu quả của việc đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề cấp huyện như thế nào?”. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, đúng là có những nơi đang tồn tại hai hệ thống dạy nghề song song là trung tâm dạy nghề và các trường dạy nghề. “Hệ thống dạy nghề của chúng ta lớn, nhưng hiệu quả sử dụng của nó chưa cao”. Thực tế có huyện có tới 2, thậm chí là 3 trung tâm cùng hoạt động dạy nghề, LĐ không hào hứng học nghề.
Đại biểu Nguyễn Bích Nhiệm, Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cũng đặt nhiều câu hỏi có liên quan tới giải pháp của Bộ LĐTBXH trong việc đẩy mạnh hoạt động dạy nghề. Trả lời vấn đề này, bà Chuyền cho biết, Bộ đã trình Chính phủ đề án dạy nghề chất lượng cao. Có 40 trường nghề đã được đưa vào thực hiện đề án này. Với những nghề đào tạo theo trình độ quốc tế, học sinh sẽ được cấp bằng quốc tế. Hiện Bộ LĐTBXH đã nhận chuyển giao 34 chương trình nghề cấp độ khu vực ASEAN. Bộ đã cử nhiều đoàn cán bộ (516 giáo viên) đi học tập chuyển giao 34 nghề này về dạy tại Việt Nam. Hiện, đã hoàn thành 20 giáo trình chuẩn bị đưa vào giảng dạy.