Bộ trưởng Bình hãy thử giả làm thường dân để đi xin sao y, trích lục, chứng giấy tờ, xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, đi khởi kiện một vụ án tại tòa... rồi sẽ thấy những con số mà Bộ trưởng đưa ra có đúng thực tế hay không? Lúc đó Bộ trưởng sẽ thấy được năng lực, trình độ của cán bộ, công chức đến đâu, thái độ phục vụ ra sao? Tôi tin rằng lúc đó, Bộ trưởng sẽ xin Quốc hội rút lại đánh giá trên của mình.
Nhiều người hoài nghi về con số 0,46% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra. (ẢnhI.T)
Tôi bắt đầu hành nghề luật từ năm 2007, nhưng phải thú thật từ đó đến nay, tôi chưa gặp vụ việc nào được giải quyết đúng thời hạn luật định, đặc biệt là trong ngành tòa án. Về trình độ của cán bộ, công chức, tôi không dám nhận xét nhưng về thái độ, cung cách làm việc và ý thức trách nhiệm, tôi cho rằng chưa chuyên nghiệp. Nhiều cán bộ, công chức không có bản lĩnh và thiếu tự tin khi giải quyết công việc và rất sợ trách nhiệm. Bất kể chuyện nhỏ hay lớn, hễ cứ thấy có gì đó hơi mới lạ, thì y như rằng phải bắt dân chờ đợi để xin ý kiến hết cơ quan này đến cơ quan khác, hoặc từ chối giải quyết.
Theo tôi, sẽ thuyết phục người dân hơn nếu đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình là “chỉ có 0,46% hoàn thành xuất sắc, 4,94% hoàn thành tốt nhiệm vụ, 58,08% hoàn thành nhiệm vụ và 34,33% không hoàn thành nhiệm vụ”.
Luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Mong các bộ trưởng sâu sát và quyết liệt hơn
Trước câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn việc đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức theo kiểu “thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ…” tôi thấy việc trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chưa thỏa đáng. Hiện nay có rất nhiều sinh viên là con em nông dân tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi chưa có việc làm, trong khi đó “con ông cháu cha” vào làm việc ở cơ quan nhà nước rất nhiều. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Bùi Quang Ngọc (TP.Nam Định)
Cán bộ có khi 9 giờ sáng còn đang uống nước chè, lúc làm việc thì “buôn” điện thoại… mặc dân chờ. Giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra là: Đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên trực tiếp quản lý đánh giá cấp dưới, sử dụng người có tài... xem ra rất đúng. Nhưng cấp trên có vô tư hay không khi đánh giá cấp dưới, có chịu sử dụng người tài không? Nếu không có cơ chế thì giải pháp này chỉ trên giấy.
Trần Thọ (Hưng Hà, Thái Bình)
Khi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói việc xây dựng cầu treo, theo quy định kinh phí do địa phương đảm nhiệm, nhưng những nơi cần cầu treo lại là địa phương nghèo, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và nhiều nguồn khác, tôi rất cảm kích. Nếu bộ trưởng nào cũng tâm huyết, sâu sát như Bộ trưởng Đinh La Thăng thì cuộc sống của người dân, nhất là dân nghèo ở vùng khó sẽ tốt hơn rất nhiều.
Nguyễn Quang Trường (Mường La, Sơn La)
Những giải pháp mà Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu ra để làm cầu treo cho dân tôi thấy rất sáng tạo và có tính khả thi cao. Ngoài vốn của Nhà nước, còn huy động vốn hỗ trợ của nước ngoài, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… Với quyết tâm cao như vậy, tôi tin lời Bộ trưởng Thăng nói, trong 3 năm sẽ hoàn thành hơn 7.000 chiếc cầu treo. Và chúng tôi sẽ theo dõi các bộ trưởng thực hiện.
Phạm Quang Tuấn (Văn Chấn, Yên Bái)
Giải pháp giảm phí giao thông mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra còn chung chung, tôi chưa thấy có khả năng thực hiện. Ngoài ra, nhiều công trình, dự án giao thông bị đội giá rất nhiều; xe quá khổ, quá tải né trạm cân, cày nát đường quốc lộ cũng là điều khiến cử tri rất quan tâm, bức xúc. Mong Bộ trưởng sâu sát hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để có thể giải quyết triệt để những vấn đề này.
Trần Đức Khang (Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)