Tổng hợp số liệu phân loại, xếp hạng cán bộ-công chức (CBCC) năm 2013, Bộ Nội vụ cho biết chỉ có 0,46% CBCC không hoàn thành nhiệm vụ. Với chỉ chưa đầy 0,5% được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, ta sẽ có con số hơn 95,5% CBCC hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tin nổi con số quá đẹp này không khi mà nhìn vào lĩnh vực nào của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh đến y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông vận tải, thủ tục hành chính… cũng nghe ngày càng nhiều chứ không phải ngày càng ít đi những tiếng kêu than. Và không lúc nào ta không nghe những lời kêu gọi gỡ khó cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giúp doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất.
Nếu có đến hơn 95% CBCC hoàn thành, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, liệu có cần đến những lời kêu gọi ấy? Chỉ cần đọc báo, lên mạng xã hội (tất nhiên loại trừ những ý kiến nặng về chửi bới, thiếu tính xây dựng), người ta cũng có thể cảm nhận được phần nào nỗi lòng và sự bức xúc, đánh giá và mong mỏi của người dân trước những bất cập về thực thi nhiệm vụ của CBCC trong mọi lĩnh vực.
Mặt khác, những con số do Bộ Nội vụ đưa ra choảng nhau chan chát ngay với con số do chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào ngày 25.1.2013.
Tại cuộc họp này, ông Phúc đặt câu hỏi liệu 2,8 triệu công chức hiện nay có cống hiến hết mình hay không? Ông nói: "Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Cũng chính vì thế, đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm 2012 nhằm xây dựng một nền công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả". Mục tiêu cụ thể là đến 2015 có 70% các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ trung ương đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; sửa đổi, bổ sung và xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức; thi nâng ngạch công chức.
Thế thì lấy ở đâu ra con số hơn 95% CBCC từ hoàn thành đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013?
Kế đến, Bộ Nội vụ không cho biết số liệu tổng hợp về phân loại, đánh giá công chức là tổng hợp như thế nào, dựa trên những số liệu nào, được thu thập ra sao, theo phương pháp nào. Những con số tổng hợp do Bộ Nội vụ đưa ra phải chăng dựa trên sự tự đánh giá, tự bình bầu của từng CBCC, từng cơ sở đưa lên? Nếu như vậy, liệu có thể tin vào tính khách quan của số liệu, bởi có ai muốn lấy đá ghè vào chân mình, có ai muốn tự đánh giá thấp mình, có ai muốn mất điểm trong khi bệnh thành tích vốn là căn bệnh mãn tính của bộ máy? Trong thống kê, điều tra xã hội học, phương pháp là cực kỳ quan trọng, phương pháp sai sẽ dẫn đến kết quả sai, không đáng tin cậy. Chính vì vậy mà ở các nước phát triển, dân chủ, để đảm bảo tính khách quan, việc thăm dò dư luận trước một vấn đề, một chính sách nào đó hoặc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với một chính khách hoặc cơ quan nhà nước thường do những tổ chức độc lập, có chuyên môn điều tra xã hội học tiến hành.
Nhưng đến bao giờ Việt Nam mới có những tổ chức thăm dò dư luận độc lập như vậy?