Dân Việt

Xã Tân Trường (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa): Người Thái mãi nghèo

Cao Dung 20/11/2014 07:13 GMT+7
“Người Thái sống ở đây lâu rồi nhưng vẫn nghèo khổ lắm, muốn phát triển kinh tế cũng khó vì thiếu điện, đường, trường học xa dân cư, trạm xá không có...”- ông Vi Văn Luân - Trưởng thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chia sẻ.

100% dân cư là hộ nghèo

Cách trung tâm xã Tân Trường gần 20km, thôn Đồng Lách nằm biệt lập trong một thung lũng được bao bọc bởi 5-6 quả đồi. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp nhưng phải trông chờ vào thiên nhiên vì đất không màu mỡ, làm 5-7 sào ruộng nhưng chỉ được 1 – 2 yến lúa/sào.

img

Bà Lương Thị Nhân phơi thóc bên căn nhà dột nát.

 

Ngoài sản xuất nông nghiệp, sau khi làm mùa xong bà con đổ đi làm thuê. Số khác, thì xuống miền xuôi kiếm việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống. “Nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chăn nuôi bò, dê để cải thiện cuộc sống, nhưng do không chăn nuôi đúng kỹ thuật, điều kiện kinh tế khó khăn, chuồng trại không được đảm bảo nên dịch bệnh luôn đeo bám. Lời thì ít mà lỗ thì nhiều” – ông Vi Văn Luân phân tích.

Đến thăm gia đình bà Lương Thị Nhân - là hộ nghèo nhất thôn Đồng Lách. Căn nhà 3 gian gian lợp tôn, vách đất rách nát là chỗ trú ngụ cho 7 khẩu trong gia đình bà. Bà Nhân bảo: “Năm nay lúa mất mùa, tôi làm hơn 5 sào ruộng nhưng chỉ được 1 tạ lúa thôi. Khi hết gạo thì phải xuống dưới xuôi mua, đi bộ cả nửa ngày mới mua được 1 yến gạo”.

Ngóng chờ điện, đường..

Quan điểm

Ông Vi Văn Luân
 Cuộc sống quá nghèo khổ, việc chăm sóc sức khỏe thì khó khăn. Trạm y tế ở xa thôn, đường lại khó đi, nên nếu đau ốm vào nửa đêm thì đành chịu chết”. 
Do đường xa, núi non hiểm trở, mạng lưới điện không thể nối vào đến thôn nên người dân vẫn phải sống trong cảnh tối tăm, điện không có phải thắp đèn dầu. “Chỉ khi có cái điện, bà con sắm cái tivi về thì mới biết được thông tin. Có cái điện thì trẻ con mới học được cái chữ tốt” - bà Nhân mong mỏi.

 

Trong thôn cũng có một trường tiểu học dành cho học sinh từ mầm non đến lớp 4, còn học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông phải đi bộ hàng chục cây số để xuống lớp học ở dưới xuôi. “Đi học xa thì phải ở trọ, lại phải đóng tiền nọ tiền kia, nên học sinh ở thôn phải đi bộ 3 tiếng để đến lớp cho kịp giờ chứ ít cháu ở lại lắm” - ông Phạm Văn Thân (Hội Khuyến học thôn Đồng Lách) giãi bày.

Chính vì đường sá đi lại khó khăn, chi phi tốn kém nên nhiều em dù mê học đến đâu cũng phải bỏ học. Em Lương thị Vi (học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Tân Trường, tâm sự: “Đường đi xa quá, muốn đi học để biết được cái chữ nhưng mà khó quá nên em chỉ học đến lớp 7 thôi”.

Khi được hỏi đến việc ăn uống, chợ búa, ông Phạm Văn Thân cười nói: “Ở đây không có chợ, bữa mô mà có người mang hàng lên bán cho thì được, còn không có tiền cũng không có chi mà ăn”. Theo ông Thân, Nhà nước cũng đã có kế hoạch triển khai làm đường, nhưng đề án mới nằm trên giấy, và bà con Đồng Lách thì cứ mỏi mòn ngóng trông mãi thôi…