Vấn đề “gai” nhất trong dự thảo luật - mức lương hưu hằng tháng (Điều 56), Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, bên cạnh quan điểm tán thành, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức lương hưu hàng tháng, giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi như hiện hành; một số ý kiến đề nghị quy định theo phương án của Chính phủ (áp dụng cách tính tiền lương hưu theo hướng giảm mức hưởng bảo hiểm ngay từ 1.7.2015 – khi luật này có hiệu lực).
Do còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến tới các đại biểu Quốc hội. Kết quả, đa số đại biểu đã tán thành hướng điều chỉnh dần, cho đến năm 2018 mới áp dụng toàn diện cách tính lương mới như đề xuất của UB Các vấn đề xã hội. Cụ thể, có 256/358 phiếu đồng ý với phương án này, chiếm tỷ lệ 71%.
Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, việc sửa đổi luật lần này cần phải quan tâm đến việc giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu khi điều chỉnh chính sách, đặc biệt là lao động nữ và có lộ trình thực hiện để người lao động có thời gian thích ứng với chính sách mới. Do vậy, phương án điều chỉnh dần mức lương hưu hàng tháng đã được giữ như hướng UB Các vấn đề xã hội xây dựng.
Như vậy, quy định cụ thể tại điều khoản này thể hiện, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động quy được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Một vấn đề khác nhận nhiều chú ý là quy định về chế độ bảo hiểm thai sản của người lao động.
Bà Trương Thị Mai cho biết, với đề nghị nâng thời gian nghỉ việc hưởng thai sản cho lao động nam khi vợ sinh đôi trở lên và trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật, cơ quan giải trình đã tiếp thu, bổ sung quy định lao động nam được nghỉ việc 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm ba ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì người chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.
Ngoài ra, nếu người vợ bị chết khi sinh con, người chồng sẽ được nghỉ thay chế độ thai sản của vợ (6 tháng) để chăm con.
Cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc lao động nữ đi làm trước sau khi đã nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất được 4 tháng tại khoản 1 Điều 40. Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quy định này với lý do để đảm bảo sự đồng bộ với quy định của Bộ luật lao động nhằm đảm bảo cho sức khỏe của lao động nữ và con của họ.