Dân Việt

Nhiều đại biểu đề xuất chỉ nên để phiếu Tín nhiệm và Không tín nhiệm

Lương Kết 20/11/2014 20:50 GMT+7
Chiều 20.11, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng chỉ nên quy định 2 mức là Tín nhiệm và Không tín nhiệm khi sửa Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
img  

Bên hành lang Quốc hội chiều nay, 20.11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời báo giới.

Có nhiều ý kiến cho rằng nếu việc sửa đổi Nghị quyết lần này không có thay đổi gì lớn thì nên duy trì để xem xét thêm, ông nghĩ sao?

- Thực tế vừa qua chúng ta cũng đã có kết quả qua 2 kỳ lấy phiếu, được cử tri rất đồng tình chứng tỏ hiệu quả của Nghị quyết rất tốt.

Sửa là trước đây 1 năm lấy phiếu một lần, giờ sửa lại cả nhiệm kỳ lấy 1 lần, trên cơ sở mục đích của việc lấy phiếu để tính thời gian lấy phiếu cho phù hợp. Như chọn thời điểm lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, vì mục đích lấy phiếu ngoài việc nâng cao việc giám sát các cơ quan hành pháp, lập pháp, nâng cao chất lượng cán bộ, đồng thời cũng là cơ sở giúp cho công tác nhận xét đánh giá giúp cho các cơ quan quản lý cán bộ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Khi lấy phiếu một lần có đủ điều kiện như thế.

Có nhiều ý kiến nên quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm, nhưng tại sao dự thảo Nghị quyết vẫn quy định 3 mức thưa ông?

- Trong khi thảo luận có ý kiến đại biểu đề nghị 2 mức, có ý kiến đồng ý đề nguyên 3 mức. Qua phân tích, phải đặt câu hỏi tại sao là 2 mức hay 3 mức. Đề ra 2 mức là để không lẫn với việc bỏ phiếu, bỏ phiếu cần thiết là có 2 mức thôi, còn khi lấy phiếu tín nhiệm, lấy phiếu nghĩa là đánh giá sự tín nhiệm của những đối tượng được lấy phiếu thì cần 3 mức đánh giá, khi chuyển sang bỏ phiếu thì mới 2 mức. Đó là sự khác biệt, bởi nếu không đều quy định 2 mức thì cần gì lấy phiếu mà chuyển sang bỏ phiếu luôn.

Trước đó, góp ý vào dự thảo Nghị quyết, về mức đánh giá trên phiếu, các ý kiến phát biểu của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) Võ Thị Dung (TP.HCM) và Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng chỉ nên quy định 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. ĐB Võ Thị Dung nêu: "Ý kiến của cử tri và cá nhân tôi cho rằng chỉ nên quy định 2 mức, tín nhiệm và không tín nhiệm như vậy kết quả rõ ràng hơn, nó cũng dễ dàng cho lượng hóa. Mặc dù phương án này không phải đưa ra để bàn nữa nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị dự thảo lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định ở 2 mức" - ĐB Dung bày tỏ.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ý kiến: Chỉ một lần lấy phiếu thì không theo dõi được liên tục, người được lấy phiếu cũng không lấy đó làm căn cứ để có sự thay đổi và cố gắng. Theo ĐB An khi đi tiếp xúc cử tri thì nhận được ý kiến nên 2 mức như vậy mới chính xác. ĐB An nêu ví dụ: "Người có 50% phiếu tín nhiệm cao, không có phiếu tín nhiệm, có 50% phiếu tín nhiệm thấp, so với 1/3 phiếu tín nhiệm cao, 1/3 tín nhiệm và 1/3 phiếu tín nhiệm thấp thì không biết ai hơn ai".