Đề xuất chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ
Về mức độ thể hiện trên phiếu tín nhiệm, trong báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Quy định 3 mức độ tín nhiệm (Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp) nhằm phân biệt rõ hơn giữa quy trình LPTN và bỏ phiếu tín nhiệm, tạo thuận lợi hơn trong việc xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Về thời hạn và thời điểm LPTN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, nếu LPTN 2 lần trong 1 nhiệm kỳ hoặc theo định kỳ hàng năm như Nghị quyết 35/2012/QH13 hiện hành thì thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, không đủ để phản ánh đúng mức độ biến chuyển trong công tác của người được lấy phiếu. Việc LPTN một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ sẽ khắc phục được hạn chế kể trên. Người được bầu và phê chuẩn có hơn 2 năm để làm quen với công việc và phát huy hết khả năng của mình trên cương vị công tác. Đó cũng là thời gian cần và đủ để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND giám sát và đánh giá về năng lực, trình độ cũng như phẩm chất, đạo đức của người được lấy phiếu.
Nhiều băn khoăn về các mức phiếu
Góp ý vào dự thảo nghị quyết, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, quy định, trách nhiệm của người được LPTN chưa đầy đủ, phải quy định kê khai đầy đủ và trung thực về tài sản và thu nhập cá nhân của mình. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, quy định khi nào Quốc hội và HĐND ra nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm, việc miễn nhiệm và bãi nhiệm chưa rõ ràng. "Thế nào là trường hợp miễn nhiệm và thế nào là trường hợp bãi nhiệm, bởi bãi nhiệm gần như một hình thức kỷ luật, còn miễn nhiệm có thể do thay đổi công tác" - ĐB Mạo nêu.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) không đồng tình với lập luận trong báo cáo rằng người được bầu và phê chuẩn có hơn 2 năm để làm quen với công việc và phát huy hết khả năng của mình trên cương vị công tác, từ đó mới có đủ thời gian đánh giá về họ. Theo ĐB Hà, thời gian từ kỳ LPTN lần trước đến kỳ LPTN lần này, thời gian không dài nhưng chứng minh sự thay đổi rõ rệt từ trường hợp của Bộ trưởng Bộ GTVT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
"Về thời điểm LPTN, nhiều đông cử tri cho rằng nên lấy 2 lần, lần thứ nhất là giám sát, lần thứ 2 là tái giám sát để xem người đó đã chuyển biến tiếp thu thế nào. Lấy lần đầu là cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, còn lần 2 cuối năm thứ 4 nhiệm kỳ"- ĐB Hà góp ý.
Về mức đánh giá trên phiếu, nhiều ĐB như ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) Võ Thị Dung (TP.HCM) và Bùi Thị An (Hà Nội) đều cho rằng chỉ nên quy định 2 mức là Tín nhiệm và Không tín nhiệm. ĐB Võ Thị Dung nêu: "Nên quy định 2 mức Tín nhiệm và Không tín nhiệm, như vậy kết quả rõ ràng hơn, dễ dàng cho lượng hóa. Mặc dù phương án này không phải đưa ra để bàn nữa nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị dự thảo chỉ nên quy định 2 mức" - ĐB Dung bày tỏ.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ý kiến: Chỉ một lần lấy phiếu thì không theo dõi được liên tục, người được lấy phiếu cũng không lấy đó làm căn cứ để có sự thay đổi và cố gắng. ĐB An nêu ví dụ: "Người có 50% phiếu Tín nhiệm cao, không có phiếu Tín nhiệm, có 50% phiếu Tín nhiệm thấp, so với 1/3 phiếu Tín nhiệm cao, 1/3 Tín nhiệm và 1/3 phiếu Tín nhiệm thấp thì không biết ai hơn ai?".
3 mức lấy phiếu để phân biệt với bỏ phiếu
Bên hành lang Quốc hội chiều 20.11, trao đổi với báo giới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong khi thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị 2 mức, có ý kiến đồng tình để nguyên 3 mức. Qua phân tích, phải đặt câu hỏi tại sao là 2 mức hay 3 mức. “Đề ra 3 mức là để không lẫn với việc bỏ phiếu, bỏ phiếu cần thiết chỉ 2 mức thôi. Còn khi LPTN - lấy phiếu nghĩa là đánh giá sự tín nhiệm của những đối tượng được lấy phiếu thì cần 3 mức đánh giá, khi chuyển sang bỏ phiếu thì mới để 2 mức. Đó là sự khác biệt, bởi nếu không đều quy định 2 mức thì cần gì lấy phiếu mà chuyển sang bỏ phiếu luôn” - ông Phúc giải thích.