Cục Hàng không đánh giá đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Sự cố ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
Cụ thể, tại thời điểm xảy ra sự cố có 54 tàu bay trong kh vực chịu trách nhiệm của ACC/HCM trên tổng số 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra sự cố. Nhiều tàu bay trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và các vùng thông báo bay khác phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh tại sân bay khởi hành hoặc hạ cánh ở sân bay dự bị.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không thông tin tại buổi họp báo.
Diễn biến sự cố cho thấy, lúc 11 giờ 5 phút ngày 20.11 xảy ra sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại ACC/HCM. Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không cho biết: "Điện lưới vẫn có nhưng điện cung cấp cho hệ thống điều hành bay bị mất điện, làm mất năng lực điều hành bay trong khoảng thời gian 35 phút. Sân bay Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu, tiếp nhận. Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng". Trong thời gian 35 phút đó, ông Thanh đánh giá điều hành bay ở Tân Sơn Nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Nguyên nhân trực tiếp do hỏng bộ lưu điện (UPS). Bộ lưu điện này theo thiết kế có thể cấp điện cho cả 3 hệ thống. Ông Thanh cho biết ngày hôm qua UPS đã bị sập, ngắt điện cả 3 nguồn cấp cho hoạt động điều hành bay.
Đến 11 giờ 40 phút ngày 20.11 các hệ thống thiết bị điều hành bay đã bắt đầu phục hồi trở lại. Đến 15 giờ 40 phút có 2/3 thiết bị lưu điện hoạt động trở lại.
Ông Lại Xuân Thanh đánh giá ACC/HCM đã xử lý tốt tình huống sự cố. Thậm chí dùng phương pháp cổ điển, không radar để điều hành 8 chuyến bay hạ cánh an toàn. Đồng thời phối hợp với các vùng FIR khác để điều hành các chuyến bay có liên quan.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Đoàn điều tra sự cố, phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân sự cố.