Sáng ngày 22.11 tại Nhà khách Quốc Hội, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm“ Sự tham gia của người dân vào giám sát và quản lý đất đai” do Liên minh đất đai (viết tắt là LANDA) tổ chức.
Với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính và đổi mới thể chế mà Chính phủ đang triển khai, việc tăng cường sự tham gia của người dân trong thực thi pháp luật đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thể chế quản lý công.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trong buổi tọa đàm, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, mặc dù Luật Đất đai quy định phải lấy ý kiến người dân trong công tác quản lý đất đai như lập quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhưng thực tế các địa phương chỉ dừng ở mức “lấy ý kiến và hứa sẽ tổng hợp báo cáo”. Ít khi kết quả này có thể thay đổi hoặc đảo ngược được tình thế dù đó là nguyện vọng của số đông người dân.
Theo ông, người dân chỉ có thể được bảo đảm quyền tham gia, “Nguyên tắc lấy ý kiến là tại cấp xã. Còn quận huyện có trách nhiệm công khai thông tin, tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp. Chính quyền phải chuẩn bị tốt tài liệu sao cho phù hợp trình độ dân địa phương một cách dễ hiểu nhất”, ông góp ý và đồng thời đề xuất thêm một cách thức là động viên sự tham gia của các tổ chức xã hội, báo chí như một kênh đại diện hỗ trợ người dân.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Phạm Kim Thoa- đại diện Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triền và Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm và kết quả của dự án mô hình tăng cường giám sát vào quản lý đất đai thông qua đồng thuận của dân do các tổ chức này thí điểm tại một số xã và huyện tỉnh Quảng Bình và Hòa Bình.
Đại diện CIRD Quảng Bình cho rằng việc triển khai thí điểm mô hình giám sát thông qua đồng thuận tại một số xã cho thấy, người dân và cán bộ chính quyền địa phương được nâng cao năng lực, nhận thức quyền lợi và nghĩa vụ, vai trò trách nhiệm của mình; hoàn thiện Quy chế giám sát và khung giám sát thông qua đồng thuận của người dân toàn thôn được UBND xã phê duyệt, làm cơ sở cho Ban giám sát cộng đồng thực hiện đúng hiệu quả.
Còn theo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, với việc triển khai mô hình tạo sự đồng thuận trong quản lý và sử dụng đất, cơ quan hữu quan và người dân đã có kiến thức và hiểu biết chung nhất, xác định rõ lợi ích khi thực hiện cam kết và thiết lập mối quan hệ hiểu biết, chia sẻ giữa cơ quan nhà nước và người dân cùng các bên liên quan…