Xóa bỏ suy nghĩ “hạ cánh an toàn”
Theo ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đối với ông Trần Văn Truyền có 2 vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất là liên quan đến tài sản bất động sản, thứ hai là khâu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
“Lâu nay chúng ta có suy nghĩ "hạ cánh an toàn", nhưng qua vụ việc ông Truyền phần nào đã xóa đi được một suy nghĩ cố hữu rằng về hưu rồi thì không bị phanh phui ra. Bây giờ, dù đã "hạ cánh" rồi nhưng vẫn không an toàn khi anh bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực”- ông Tiến đánh giá.
Cũng theo ĐB Lê Như Tiến, kết luận của UB KTT.Ư về vụ của ông Truyền mới chỉ là về mặt Đảng, muốn xử lý theo pháp luật thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, thì mới làm rõ. “Tôi cho rằng phải làm nghiêm, nếu không thì không xóa được định kiến trong dư luận cho rằng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ "tắm từ vai trở xuống". Ông Truyền là người từng đứng đầu một cơ quan đấu tranh với tiêu cực mà lại có dấu hiệu vi phạm như vậy, rõ ràng nếu không làm nghiêm thì không phải là mất nhà, mất đất của nhà nước mà là mất lòng tin của người dân”- ông Tiến đề nghị.
Một vấn đề khác dư luận đặt ra là việc ông Trần Văn Truyền bổ nhiệm hơn 60 cán bộ cấp cục, vụ và phòng... Tại sao lại bổ nhiệm vào "phút thứ 89", thậm chí "phút đá bù giờ" nghĩa là đã có thông báo nghỉ hưu mà vẫn ký bổ nhiệm một số cán bộ. Trong số được bổ nhiệm này Phó Tổng Thanh tra Chính phủ xác nhận có người còn còn nợ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn thì chưa đủ, quy trình thì không đúng. “Như thế có nghĩa là anh tự tung tự tác. Tôi cho rằng đằng sau việc đó phải có gì. Muốn biết rõ thì UB KTT.Ư cần phải vào cuộc tiếp”- ông Tiến nói.
Cần tiếp tục xem xét về mặt pháp luật
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thì đánh giá: Với kết luận của UB KTT.Ư về vụ ông Trần Văn Truyền, tôi cho rằng đây là việc làm phù hợp. Ông Truyền thuộc đối tượng do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý, cho dù ông nghỉ hưu nhưng ông vẫn là đảng viên nên phải thực hiện kiểm tra, xem xét khi có những thông tin về dấu hiệu vi phạm. Mức độ như kết luận là ông Truyền không thành khẩn trong việc kê khai tài sản, hay những việc làm gây bức xúc trong dư luận thì việc xử lý như kết luận là kịp thời, đáp ứng phần nào mong chờ của dư luận.
“Vi phạm trên mới chỉ được kết luận về mặt Đảng, còn về mặt pháp luật thì phải tiếp tục xem xét, ví dụ như anh xây nhà như vậy thì nguồn tiền thu nhập có hợp pháp không. Nếu anh chứng minh nguồn tiền là chính đáng hợp pháp thì đó là chuyện bình thường”- ĐB Thảo nhấn mạnh.
ĐB Thảo cũng đề xuất: Để tiến hành phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tiêu cực tham nhũng thì cần nhiều kênh. Vụ ông Truyền thì đúng là do báo chí, do quần chúng nhân dân phát hiện, báo chí đưa để gây một áp lực cho cơ quan chức năng vào cuộc, thì đây cũng là một kênh. Thực tế những năm vừa rồi thì cũng phát hiện ra đến hàng nghìn vụ. Việc phát hiện đó là nhờ công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra nội bộ, điều tra... Bây giờ phòng chống tham nhũng phải phối hợp nhiều kênh, kênh báo chí đưa liên tục để cơ quan chức năng vào cuộc thì cũng là kênh tốt cần phải phát huy.
Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Có thể thấy đây là trường hợp hiếm có, nhất là với một người từng giữ chức vụ cao như ông Truyền. Đảng đã nghiêm túc, quyết tâm trong việc chống tiêu cực, tham nhũng, làm như vậy tạo được lòng tin của nhân dân và cử tri cả nước. Qua dư luận tôi thấy cử tri hoan nghênh bởi nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm của cán bộ.