Dân Việt

Thắp sáng những ước mơ hiếu học từ hơn 2.600 xã nghèo

B.T.V 24/11/2014 15:14 GMT+7
Với những em bé nghèo, việc được học hành đến nơi đến chốn, vốn dĩ là quyền hiển nhiên, lại là một giấc mơ đôi khi phải rất khó khăn mới không bị ngắt quãng giữa chừng. Những giấc mơ đó đã và đang được tiếp sức bởi chương trình "Vì em hiếu học" với cam kết lên tới 26 tỷ đồng mỗi năm để hoàn thiện, giúp các em nắm lấy tương lai.

Ước mơ được… đến trường

Trời còn chưa sáng, cô học trò lớp 6 Nguyễn Thị Rưng, trường THCS Hồng Quảng, huyện vùng cao A Lưới, Thừa Thiên - Huế đã lọ mọ buộc hàng lên xe và đạp đến chợ. Những món hàng mà Rưng thồ sau xe khi là những bó rau dại, những củ môn, buồng chuối.. mà chiều hôm trước, sau giờ học, em cùng một số bạn lên rừng, lên rẫy kiếm về.

img

Viettel đang và sẽ thắp sáng những ước mơ hiếu học từ hơn 2.600 xã nghèo

Rưng là con út trong gia đình 5 anh em quanh năm túng thiếu. Năm Rưng lên lớp 3, mẹ em bảo: Nhà nghèo không có cơm ăn lấy tiền mô mà đi học, thôi nghỉ học lên rừng mà kiếm cái ăn. Nghe mẹ nói vậy, Rưng đã khóc rất nhiều vì sợ không được đi học chữ nữa. Rồi Rưng thấy một số bạn nhà nghèo thường lên rừng kiếm đồ ăn mang ra chợ “dân tộc” bán lấy tiền trang trải học hành. Từ đó, Rưng cũng theo các bạn để mưu sinh nuôi cái chữ.

Không nhiều học sinh ở các vùng dân tộc thiểu số “can đảm” như Rưng. Cái nghèo khó đã khiến số học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi, bỏ học ngày một nhiều hơn. Theo số liệu được công bố tại hội thảo “Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam” do Bộ GD&ĐT và UNICEF phối hợp tổ chức ngày 11.9 vừa qua, có tới 1,1 triệu trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 5 - 14 tuổi chưa từng được đến trường học hoặc đã bỏ học. Chỉ riêng tỉnh Nghệ An, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, riêng năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 1.819 học sinh bỏ học, tập trung nhiều ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn như: Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… Còn ở An Giang, năm học 2013 – 2014, gần 5.000 học sinh bậc THCS và THPT bỏ học.

Nguyên nhân các em bỏ học chủ yếu là do nghèo, cơ sở vật chất điều kiện học hành thiếu thốn… Cái vòng luẩn quẩn vì nghèo mà bỏ học, rồi vì thất học mà nghèo khiến tương lai của các em trở nên mịt mờ. Các em cần được học, và các em cũng mơ ước được tiếp tục tới trường, nhưng giấc mơ giản dị ấy lại trở nên xa vời quá, bởi một chữ nghèo.

Hành động của người lính

Mong muốn những giấc mơ tới trường của các học sinh nghèo được tiếp sức, người lính Viettel đã khởi động chương trình khuyến học Vì Em Hiếu Học. Từ tháng 10.2014, Vì Em Hiếu Học sẽ được triển khai xuống tận cấp xã, trước mắt ưu tiên 2.331 xã nghèo theo Chương trình 135 và 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. 10 suất học bổng trị giá 1.000.000 VNĐ/suất/năm (được quy đổi ra vật dụng hỗ trợ cho việc học tập của các em) sẽ được chọn trao cho các học sinh khá, gia đình nghèo nhất mỗi xã.

Với ngân sách cam kết khoảng 26 tỷ cho chương trình này mỗi năm, liên tục trong 10 năm, tính ra sẽ có ít nhất 260.000 giấc mơ của các em nhỏ được chắp cánh và tiếp sức. Một con số không hề nhỏ. 10 năm sau, các em, sau khi hoàn thành giấc mơ học hành của mình, sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội, hoặc chí ít, các em cũng thoát khỏi được cái vòng luẩn quẩn của chữ nghèo.

img
Trái tim người lính Viettel giúp mang nụ cười đến cho các em nghèo!

Nhiều người nói Viettel đang “đầu tư cho tương lai”. Điều này cũng không sai, bởi 25 năm qua, kể từ ngày đầu tiên thành lập, những chương trình của Viettel như kết nối internet đến 100% trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc, hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, trao học bổng cho sinh viên, hay triển khai chương trình mổ tim nhân đạo Trái tim cho em… đều hướng tới trẻ em, học sinh, sinh viên- thế hệ tương lai của đất nước.

Nhờ có Viettel mà học sinh dù ở vùng sâu vùng xa cũng biết đến khái niệm Internet, nhiều sinh viên có đủ điều kiện theo đuổi giấc mơ thành tài, thậm chí đã trở thành nhân lực trong đội ngũ “người lính Viettel”. Rõ ràng, đó là sự đầu tư nghiêm túc, và thực sự hiệu quả.