Trên lý thuyết, nguồn điện thiết kế cho hệ thống điều hành không lưu tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC/HCM) gần như không thể bị ngắt. Nguồn cung cấp điện cho hệ thống điều hành không lưu đến từ hệ thống điện lưới (2 nguồn), hệ thống máy phát dự phòng (3 máy phát) và 3 hệ thống thiết bị lưu điện (UPS). Khi hệ thống lưới điện mất có thể chuyển sang máy phát dự phòng, nếu hỏng máy phát sẽ còn 3 thiết bị UPS. Ông Đinh Việt Thắng khẳng định: “Trong thiết kết đảm bảo gần như nguồn điện sẽ không bị ngắt nếu không có sự tác động của con người”.
Trên thực tế, sự cố mất điện hệ thống điều hành không lưu tại ACC/HCM trưa ngày 20.11 được xác định là do lỗi của con người. Hàng tuần, ACC/HCM sẽ thực hiện ngắt điện lưới để kiểm tra định kỳ hệ thống máy phát điện dự phòng. Thời điểm đó, 3 thiết bị UPS vẫn hoạt động bình thường.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hệ thống thiết bị điện tại ACC/HCM được nhập ngoại và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Trong tháng 11, có hai lần một thiết bị UPS gặp trục trặc và đều được xử lý thành công.
Tuy nhiên, trưa ngày 20.11 nhân viên kỹ thuật đã thao tác sai dẫn đến làm sập toàn bộ hệ thống điện cấp cho hệ thống điều hành bay của ACC/HCM. Cụ thể, lúc 11 giờ 5 phút một thiết bị UPS báo lỗi. Nhân viên kỹ thuật phải cô lập thiết bị UPS bị lỗi khỏi hai thiết bị còn lại rồi mới tiến hành sửa chữa nhưng kíp trưởng ca trực là ông Lê Trí Tình đã ấn nút ngắt tải làm sập cả hệ thống thiết bị UPS. Mặc dù trên thiết bị đã có cảnh báo: Nếu ấn nút ngắt tải thì các thiết bị UPS đấu nối song song sẽ bị ngắt ra khỏi hệ thống.
Khi xảy ra sự cố, điện lưới vẫn còn nhưng các nhân viên kỹ thuật lại không đấu nối ngay điện lưới vào hệ thống điều hành bay mà lại sửa chữa UPS. Sau 14 phút xảy ra sự cố nhân viên kỹ thuật mới tiến hành đóng điện lưới nhưng một lần nữa kíp trưởng Lê Trí Tình lại can thiệp sai khiến UPS tiếp tục trục trặc làm hệ thống bị mất điện. Phải hơn 30 phút sau hệ thống điều hành bay mới hoạt động trở lại.
Trước nguyên nhân sự cố kể trên, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết Bộ GTVT sẽ thành lập hội đồng đánh giá lại toàn bộ nguồn nhân lực của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, từ Chủ tịch, Tổng Giám đốc đến các nhân viên. Ông Thăng khẳng định: “Toàn bộ nhân viên yếu kém phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không đạt sẽ chấm dứt hợp đồng”.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã ban hành chỉ thị về việc đảm bảo an toàn, an ninh trong công tác điều hành, quản lý hoạt động bay. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không nghiêm túc, nhìn nhận các sự cố trong thời gian vừa qua là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay; cần chủ động khắc phục những yếu kém, bất cập trong thực hiện các quy trình điều hành, quản lý hoạt động bay; rà soát kỹ đội ngũ cán bộ, nhân viên, chấn chỉnh ý thức tổ chức kỷ luật, kịp thời xử lý nghiêm cán bộ nhân viên vi phạm.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác điều tra sự cố điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 29.10; sự cố mất điện tại ACC HCM và báo cáo trước ngày 5.12.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn quản lý điều hành bay; chủ động điều tra, xử lý các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; hoàn thiện công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao chất lượng kiểm soát viên không lưu, đảm bảo cung cấp an toàn dịch vụ không lưu theo tiêu chuẩn của ICAO; nghiêm túc thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố gây uy hiếp an toàn bay; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo sự cố theo quy định.