Đó là nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về BLGĐ và chính những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Phá bỏ rào cản
Trở lại câu chuyện của tỉnh Quảng Trị (bài 1, NTNN số 281/2014) bà Nguyễn Thị Phương – Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTTDL Quảng Trị) cho biết, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 1.000 vụ BLGĐ, trong đó bạo lực đối với phụ nữ chiếm 95%. Số vụ BLGĐ mà các cơ quan chức năng thống kê được ở trên chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế.
Bà Phương cũng thừa nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ không được giải quyết triệt để từ phía chính quyền và từ quan niệm lạc hậu như tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia trưởng; quan niệm “chồng chúa vợ tôi” vẫn chưa được xóa bỏ; cờ bạc, rượu chè, điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, có một lý do quan trọng là kỹ năng ứng xử và giải quyết mâu thuẫn gia đình còn hạn chế từ các thành viên trong gia đình. Khi có mâu thuẫn, người trong cuộc (chủ yếu là người vợ) có thái độ cam chịu, không dám dũng cảm nói lên sự thật. Với tâm lý e ngại, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên có nhiều trường hợp bị chồng đánh “thừa sống thiếu chết”, phải nhiều lần nhập viện nhưng khi cơ quan chức năng, đoàn thể đến tìm hiểu thì người vợ tìm mọi cách che giấu thông tin vì sợ bị chồng trả thù, sợ mọi người cười chê, họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, xã hội. Chính vì những nguyên nhân trên mà nỗi đau BLGĐ vẫn cứ âm ỉ trong mỗi mái nhà.
Để ngăn chặn, phòng chống BLGĐ, cơ quan này đã dùng giải pháp tuyên truyền như loa truyền thanh, tờ rơi, sinh hoạt, hội họp, tập huấn, tổ chức sự kiện, xây dựng được 950 tổ hòa giải và 343 địa chỉ tin cậy cho nạn nhân BLGĐ… nhằm giáo dục tạo chuyển biến về nhận thức của phụ nữ về BLGĐ; xây dựng, mở rộng các CLB phòng chống BLGĐ, xóa bỏ thái độ độc đoán, gia trưởng... “Và điều cốt lõi nhất là vận động người phụ nữ dám dũng cảm nói lên thực trạng bị BLGĐ của mình để pháp luật can thiệp” – bà Phương nhấn mạnh.
Nhân rộng mô hình “địa chỉ tin cậy”
Tại các tỉnh, thành khác, tình trạng BLGĐ cũng khá nóng bỏng và các địa phương cũng tìm cách giải quyết vấn nạn này.
Từng là địa bàn “nóng” về BLGĐ, TP. Cần Thơ đã xây dựng mô hình “địa chỉ tin cậy” với 469 địa chỉ ở các vùng nông thôn. “Địa chỉ tin cậy” là nơi để chị em khi bị bạo hành tìm đến nhờ tư vấn, hỗ trợ chỗ tạm lánh, thuốc men, đưa đi khám sức khỏe, trình báo công an, mời tổ chức đoàn thể vào cuộc. “Địa chỉ tin cậy” được đặt tại nhà người dân có uy tín, có số điện thoại đường dây nóng…
Bà Đoàn Thị Anh - điểm “địa chỉ tin cậy” xã Thạnh Mỹ (Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Chị em tìm đến trình báo bị bạo hành thường trong tâm trạng hoang mang lo sợ. Khi được chúng tôi chia sẻ, tư vấn cách xử lý tình huống, các chị em cảm thấy rất yên tâm. Sau đó, chúng tôi tới gặp người chồng hòa giải và tuyên truyền kiến thức pháp luật. Những trường hợp chị em bị thương tích nặng, chúng tôi trình báo công an ngay”.
Ngoài mô hình “địa chỉ tin cậy” nói trên, bà Chiêm Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TP.Cần Thơ cho biết, các chị em còn sinh hoạt tổ nhóm, học hỏi các kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những đòn roi. “Chúng tôi cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức hôn nhân gia đình, kỹ năng ứng xử trong gia đình để hạn chế hậu quả nghiêm trọng”- bà Hương nói.
Tại tỉnh Hậu Giang, bà Huỳnh Thúy Trinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh chia sẻ: “Giải pháp xử phạt hành chính, theo tôi là không hiệu quả, nhất là đối với vùng nông thôn, vì chính người vợ lại nai lưng ra làm kiếm tiền hoặc chạy đôn chạy đáo vay nợ để nộp phạt cho chồng. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần có chế tài bắt lao động công ích… để răn đe người chồng, hỗ trợ chị em làm kinh tế để họ không còn lệ thuộc kinh tế vào người chồng, tự tin hơn trong cuộc sống”.
... và thay đổi chính mình
Theo nhiều chuyên gia, phòng chống BLGĐ nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền và Hội Phụ nữ thì chị em đã đặt mình vào thế bị động. Vì thế, chị em cần chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để tự giải quyết vấn đề BLGĐ ngay trong nhà mình.
Chị Bùi Minh T là nhân viên kế toán tại Trung tâm Điện toán truyền số liệu khu vực 1 tại Hải Phòng. Chị T kết hôn với anh C ở Kiến An gần 4 năm nay. Do chênh lệch về trình độ học vấn, nghề nghiệp nên cuộc sống của hai người nhiều mâu thuẫn. Anh C trở nên dễ nổi cáu, hay nói bậy, chửi bới chị T… “Ban đầu tôi rất sốc vì tôi sinh ra trong gia đình gia giáo. Có những lúc bị chồng đánh chửi vô cớ, tôi phải tìm nghe những bài giảng của các sư thầy nổi tiếng trong đạo Phật để đầu óc thanh thản”- chị T nói.
Không để tình trạng đó kéo dài mãi, chị T đã tham khảo các kinh nghiệm xử lý tình huống. Ngoài ra, chị còn tìm tới những người bạn, người thân thực sự tin tưởng để chia sẻ xin lời khuyên. Ngoài ra, chị cũng thay đổi, chăm sóc bản thân nhiều hơn, khuyến khích anh tham gia các công việc gia đình. Tính nhẫn nhịn kết hợp với sự khéo léo của chị đã khiến anh C thay đổi tâm tính một cách rõ rệt.
Bà Nguyễn Thanh Tâm -Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết: “Hiện ở vùng nông thôn Hải Phòng đã xây dựng mô hình “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Tại đây, chị em học cách xử lý tình huống khi bị đánh chửi, tìm hiểu kinh nghiệm cảm hóa, thuyết phục chồng và cả cách buông tay (ly hôn) khi người chồng không thay đổi”.
Cũng theo bà Tâm, cách tiếp cận này phù hợp với chị em trung tuổi, ít có điều kiện tham khảo những tình huống trên mạng Internet. Hoạt động này đã giúp một số gia đình tưởng chừng bên bờ vực thẳm của chia ly nay lại sống gắn kết và không còn bạo lực.