Xử phạt theo mỗi đầu xe
Nghị định 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã có những quy định mới, cụ thể hơn về xử phạt hành vi chở quá tải. Theo đó, phạt tiền từ 12 – 14 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe và 24 – 28 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức thực hiện hành vi giao hoặc để cho người làm công, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định chở quá tải trọng từ 40 – 60%. Mức xử phạt tăng lên tương ứng khi để chở quá tải trọng 60 – 100% là 14 – 16 triệu đồng đối với cá nhân và 28 – 32 triệu đồng với tổ chức.
Với người điều khiển xe chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 – 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX trong thời gian 3 tháng. Trong trường hợp này, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt 16 – 18 triệu đồng và chủ xe là tổ chức bị phạt 32 – 36 triệu đồng.
Một điểm mới về xử phạt chở quá tải trọng đối với người hoặc cơ sở bốc xếp hàng hóa là việc xử phạt sẽ được tính trên đầu xe. Bà Hoàng Hồng Hạnh – Vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Trên xe có ghi rõ là được chở bao nhiêu rồi, trên căn cứ đó để xem anh có bao nhiêu xe quá tải. Trước đây xử phạt đối với doanh nghiệp, bây giờ tiến hành xử lý trên mỗi xe, nếu 100 xe vi phạm thì sẽ phạt theo đầu xe”. Mức xử phạt đối với cá nhân tăng lên 2 triệu đồng, đối với tổ chức 4 triệu đồng nếu vi phạm bốc xếp quá tải trên 40%.
Lúng túng xử lý chủ hàng
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Tôi hoan nghênh việc xử phạt. Tuy nhiên, trong 4 đối tượng liên quan đến hiện tượng quá tải là lái xe, chủ xe, đơn vị xếp dỡ và chủ hàng thì còn đối tượng chủ hàng vẫn chưa được đề cập đến. Hiện ta còn lúng túng trong việc xử lý đối tượng này, đây mới là đối tượng ép giá vận tải”.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đồng tình với việc tăng mạnh mức xử phạt đối với chủ xe và tăng nhẹ mức xử phạt với tài xế chở quá tải. Ông Thanh cho hay: “Nhiều chủ doanh nghiệp cũng có ý kiến phản ứng, chúng tôi đã nói ông là người quản lý doanh nghiệp, không thể đứng ngoài cuộc, ông phải chịu trách nhiệm. Đơn vị xếp dỡ cũng bảo với chúng tôi là chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải bảo chúng tôi xếp bao nhiêu thì xếp. Nhưng không phải vậy, anh là người tiếp tay gián tiếp”.
Bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết thay đổi lớn nhất trong Nghị định 107 đối với hành vi chở quá tải là mức phạt đối với chủ phương tiện: “Đối với lái xe, mức phạt tăng không đáng kể. Ví dụ việc chở quá tải trên 100% chỉ xử phạt lái xe tăng thêm 1 triệu đồng, thay vào đó là tăng thời gian tước giấy phép lái xe. Còn mức phạt đối với chủ xe tăng rất nhiều”.
Giải thích về việc truy xuất, xử phạt nguồn bốc xếp hàng hóa lên xe, bà Hạnh cho biết: “Một là các lực lượng kiểm tra sẽ truy xuất được nguồn hàng và truy ngược lại, nhưng việc này sẽ là ít thôi. Còn chủ yếu, lực lượng thanh tra sẽ vào tận nơi xếp hàng, căn cứ vào vận đơn xếp hàng lên từng xe. Từ đó xem xét nội dung đối với xe để xem có quá tải hay không. Một doanh nghiệp có thể xuất vận đơn cho 100 xe, có thể kiểm tra trực tiếp trên đường hoặc truy xuất ngược lại vào nguồn hàng”.