Dân Việt

Tâm thư gửi Bộ trưởng GD-ĐT: Làm ầm ĩ lên là... không biết gì?

25/11/2014 13:00 GMT+7
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên là thành viên Ban Chỉ đạo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về bức thư của Võ Thị Mỹ Linh gửi Bộ trưởng GD-ĐT về việc học tiếng Anh. 


img

Sách dạy tiếng Anh của học sinh VN được Linh chia sẻ trên Facebook cá nhân

 

Ông Hùng bày tỏ:

Theo tôi, cô gái đó chưa đọc hết và chưa hiểu về nghệ thuật làm chương trình, làm “ầm ĩ” lên như vậy chứng tỏ là… không biết gì. Muốn đánh giá, cần xem xét cả quyển sách chứ không phải 1 bài.

Chương trình ở Việt Nam có cấp bậc đi lên. Sau 3 tháng nghỉ hè, bài đầu tiên cho học sinh học là ôn lại kiến thức cũ, ôn lại các cấu trúc cũ chứ không phải học lặp lại.

Câu chào hỏi buổi đầu tiên đến lớp đơn giản, nhưng nội dung học những bài tiếp theo là khó dần lên.

Hơn nữa, có thể những quyển sách tiếng Anh cô gái đó nhờ bạn chụp lại là sách theo chương trình cũ. Theo chương trình cũ, thậm chí đến lớp 10, học sinh học lại a b c từ đầu, bởi ở thời điểm xây dựng chương trình đó có tới 2/3 học sinh THCS không được học ngoại ngữ.

Còn Đề án Ngoại ngữ 2020 xây dựng chương trình ngoại ngữ tổng thể 10 năm ở phổ thông, từ lớp 3 đến lớp 12.

Chương trình mới được viết liên thông từ dưới lên trên. Mục tiêu là đến hết lớp 12, học sinh sẽ phải đạt chuẩn B1 châu Âu, tương đương với bậc 3 của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, chương trình được xây dựng và đánh giá là khó, chứ không hề đơn giản.

Học theo chương trình mới, học sinh sẽ nói được những vấn đề của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, chứ không chỉ kể lại câu chuyện của nước ngoài.

Thứ hai là, trong SGK xây dựng theo chương trình của Đề án 2020, tính Việt Nam rất nhiều.

Chương trình có yếu tố mở và địa phương. Từ lớp 6 trở đi, chương trình có yêu cầu liên hệ.

Phương pháp giảng dạy cũng thay đổi quan trọng. Đối với giáo viên, chương trình cũng rất mở, giáo viên có thể đưa đình chùa, di tích của địa phương… vào giảng dạy.

Đề án đã hoàn thành SGK tiểu học với lớp 3, 4, 5, cấp THCS đã làm SGK lớp 6, 7 và THPT là SGK lớp 10, 11. SGK ngoại ngữ mới ở bậc tiểu học đã triển khai từ năm 2010. Ở bậc THPT những nơi có điều kiện sẽ triển khai theo SGK của chương trình mới.

Vì sao học sinh Nepal giỏi tiếng Anh?

Cũng cần phải xét đến việc Nepal là một quốc gia thuộc địa của Anh, giống như Myanmar, Singapore, Malaysia… Đã từ lâu, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở những nước này. Toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của họ cũng “copy” của Anh.

Trong khi đó, giáo dục đại học Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ…

Nói như vậy để chúng ta biết rằng, giáo viên tiếng Anh của họ đạt chuẩn, còn của Việt Nam có mấy người? Giáo viên tiếng Anh mà không ít người phát âm còn sai.

Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Đề án ngoại ngữ 2020 tập trung bồi dưỡng giáo viên, sao cho trước hết phải nói đúng tiếng Anh đã, chứ còn chưa bàn đến việc nói hay, nói chuẩn.

Tất cả hệ thống giáo dục phụ thuộc vào người thầy, nên phải tập trung vào thầy cô giáo. Bên cạnh đó là việc đánh giá tầm quan trọng của ngoại ngữ trong đời sống kinh tế chính trị xã hội của quốc gia.

Nền kinh tế không có sự chuẩn bị khi năm 2015 hội nhập ASEAN. Không có ngoại ngữ, lực lượng lao động thua ngay trên sân nhà.

Mong muốn một đằng, nhưng chúng ta lại chỉ đạo một nẻo.

Như quy định năm vừa rồi không bắt buộc thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ. Hậu quả thấy ngay: chỉ hơn 16% học sinh chọn môn Tiếng Anh.

Từ năm 2015 lại quy định bắt buộc thi tốt nghiệp ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia. Tôi hy vọng với quy định này việc học ngoại ngữ sẽ tốt dần lên.

Các kỳ thi Olympic, các sân chơi tiếng Anh ở tiểu học lâu nay diễn ra rất vui vẻ, hiệu quả, thì bây giờ Bộ GD-ĐT lại cấm. Như vậy sẽ không tạo ra môi trường học ngoại ngữ cho học sinh.

Các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều xác định rằng yếu tố quan trọng là ông thầy.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng đã từng nói chương trình và SGK là phần phụ, người thầy mới là quan trọng nhất.

Không nên coi SGK môn ngoại ngữ, cũng như các môn học khác, như huyền thoại, hay bài toán gì ghê gớm. Mà trước hết, phải tạo điều kiện cho người thầy.