Sau một thời gian được ngân hàng cho áp dụng loại hình giao dịch này, Tùng thấy đây là kẽ hở rất lớn để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng nên lập tức ra tay thực hiện. Theo đó, Tùng lấy mẫu thẻ tiết kiệm của HDBank, sau đó mang ra cửa hàng photocopy ở gần nhà in ra hàng chục thẻ tiết kiệm giả. Khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm, Tùng hướng dẫn và mở tài khoản cho họ, rồi đăng ký E-banking (chuyển tiền tự động) nhưng không thông báo cho khách hàng biết.
Sau đó, Tùng yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản để xác lập số tiền họ gửi tiết kiệm. Sau cùng, Tùng in các thông tin cá nhân của khách hàng, số lượng tiền gửi, lãi suất và thời hạn gửi tiền lên thẻ tiết kiệm giả, rồi mang đến tận nhà giao cho họ. Ngay sau khi khách hàng chuyển tiền, Tùng nhanh chóng sử dụng dịch vụ E-banking để chuyển tiền sang tài khoản cá nhân của mình và chiếm đoạt.
Đến hạn thanh toán, Tùng nói với khách hàng để họ chấp thuận chuyển sang hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn hòng hưởng lãi suất cao hơn hoặc hợp đồng ứng trước thẻ tiết kiệm để khách hàng tiếp tục gửi tiền mà không cần làm thủ tục tất toán thẻ tiết kiệm đang có. Đối với những khách hàng đồng ý thay đổi loại hình gửi tiền thì Tùng làm hợp đồng giả mạo để che giấu hành vi chiếm đoạt tiền bất hợp pháp.
Quá trình chiếm đoạt tiền tiết kiệm của khách hàng, Tùng còn giả chữ ký của các kiểm soát viên, giao dịch viên, trưởng phòng kế toán, nhân viên kho quỹ trên thẻ tiết kiệm giả. Với khách hàng chuyển từ tiền tiết kiệm sang hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn thì Tùng ký giả chữ ký của Phó giám đốc HDBank Hoàn Kiếm.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 11.2013, Tùng đã chiếm đoạt hơn 24,7 tỷ đồng của 10 khách hàng gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng để tiêu xài và không có khả năng trả lại. HDBank Hoàn Kiếm đã đứng ra khắc phục hậu quả gần hết và hiện ngân hàng này vẫn đang tiếp tục hoàn trả tiền cho những người gửi tiền còn lại.
Ngoài bị tuyên phạt mức án tù chung thân, Vũ Thanh Tùng còn bị tuyên buộc phải bồi thường cho HDBank Hoàn Kiếm toàn bộ số tiền hơn 24,7 tỷ đồng.