Dân Việt

'Quốc hội chưa kiểm soát được các khoản thu của Nhà nước'

Ngọc Lương 25/11/2014 19:28 GMT+7
Chiều 24.11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các vấn đề về công khai thu chi ngân sách, sử dụng ngân sách đã được các đại biểu (ĐB) đề cập.
Công khai dự toán ngân sách

Theo quy định của dự thảo Luật về chi ngân sách nhà nước có chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ quốc gia, chi trả nợ, gồm trả nợ gốc và lãi cho khoản mà Nhà nước vay. Theo ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam), phần thu ngân sách nhà nước chỉ đề cập đến các khoản thuế, phí và lệ phí không đề cập đến khoản thu vay mà ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả nợ.

img
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Tân. Nguồn: Internet

Sau khi dẫn chứng những khoản chi mà Nhà nước phải trả, ĐB Tân cho rằng các khoản vay của nước ngoài, khoản Chính phủ bảo lãnh vay, khoản Chính phủ vay để cho vay lại chưa được Quốc hội kiểm soát ngay từ đầu. "Điều đó cho thấy Quốc hội chưa kiểm soát một cách tổng thể toàn bộ các khoản thu của Nhà nước đó là thu vay mà vẫn phải chi một cách tổng thể, là chi trả nợ vay. Những khoản vay nào mà ngân sách nhà nước phải chi trả thì phải được thể hiện vào trong luật để Quốc hội kiểm soát" - ĐB Tân đề nghị.

Về vấn đề công khai minh bạch, ĐB Tân cho rằng với số liệu thu chi ngân sách một cách tổng hợp là khó phân tích, khó giám sát tính đúng đắn, tính khách quan và tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. "Cần quy định, về nội dung công khai, công khai cả tình hình thực hiện dự toán, kèm theo báo cáo thuyết minh, về hình thức cần quy định bắt buộc công khai trên trang thông tin điện tử của các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, đồng thời không áp dụng báo cáo mật đối với dự toán quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử" - ĐB Tân đề xuất.

Tránh quy định chung chung dễ dẫn đến tùy tiện

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu vấn đề, luật cần phải gắn quyền hạn của cơ quan quản lý sử dụng ngân sách các cấp.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), hiện nay đang tồn tại 4 vấn đề lớn: Thứ nhất là duy trì quá lâu quan hệ ngân sách lồng ghép giữa T.Ư và địa phương nên tồn tại cơ chế xin cho và thiếu minh bạch; thứ hai là ngân sách mềm, mềm tới mức tùy tiện; thứ ba tính tự chủ địa phương không có; thứ tư quy trình thiết lập ngân sách thụ động. Sau khi phân tích những bất cập trên, ĐB Lịch thẳng thắn cho rằng để có đổi mới mạnh mẽ thì quy định như dự thảo luật chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Nhìn vấn đề một cách cụ thể, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng luật phải tính đến việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi, cần xây dựng định mức chi sao cho phù hợp với nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà ngân sách đảm nhiệm, tránh khoảng cách quá xa giữa các cấp ngân sách, đặc biệt là cấp xã.

Về thực hiện các nhiệm vụ chi hành chính, quản lý nhà nước, theo ĐB Huệ thì luật cần mở rộng các hình thức khoán chi đối với các mục chi như xăng xe, tiếp khách, đồng thời có thiết chế bắt buộc đối với những đối tượng được đi xe công và đối tượng đi xe công được nhận khoán tiền khoán xe hàng tháng thống nhất cả nước.

"Nên mạnh dạn khoán cả chi tiếp khách cho các đối tượng có thẩm quyền tiếp khách. Bởi trên thực tiễn hiện nay khó xác định được khách nào là phạm vi khách công, khách nào là phạm vi cá nhân. Tất nhiên việc này phải đi đôi với cơ chế kiểm soát, gắn với hiệu quả công việc" - ĐB Trương Thị Huệ nêu quan điểm.