Dân Việt

GS Đào Trọng Thi: Đừng lấy học sinh làm “con tin”

“Trước tiên phải tạo điều kiện cho các cháu đi học bình thường ở trường cũ. Bao giờ  lãnh đạo địa phương và người dân tìm được tiếng nói chung phù hợp thì lúc đó mới thực hiện chủ trương sáp nhập trường”... 

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với NTNN xung quanh vụ “Người lớn tranh cãi, hơn 600 trẻ thất học” ở Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh mà chúng tôi đã có loạt bài phản ánh.

imgNgười dân tập trung phản đối việc dồn trường ở xã Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh). T.L

GS Đào Trọng Thi nhận định: Chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh sắp xếp lại các cơ sở giáo dục các cấp ở địa phương là đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, nhằm tạo ra những trường đạt các tiêu chuẩn quốc gia. Nhưng việc triển khai các chủ trương này phải được tiến hành thận trọng, trên cơ sở cân nhắc từng bước đi. Thứ nhất, đề án sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông phải được các địa phương nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện.

Thứ hai là phải triển khai các biện pháp cần thiết, trong đó có việc tuyên truyền phổ biến, trao đổi bàn bạc một cách công khai, dân chủ với người dân địa phương, thuyết phục người dân cùng ủng hộ chủ trương này. Dù có thể trong một số trường hợp, một số địa phương thì việc này là phức tạp và khó khăn.

Tuy nhiên đã triển khai một chủ trương lớn thì chuyện đó cũng là bình thường. Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương là phải thực hiện tốt công việc đó. Và trong mọi hoàn cảnh, cả chính quyền địa phương lẫn phụ huynh đều không được lấy con em mình ra để làm "con tin" để đạt được mục đích của mình.

Theo tôi, trong trường hợp cụ thể của Hương Bình, giải pháp không phải là quá khó: Trước hết hãy để các học sinh tiếp tục học tập bình thường ở trường cũ. Còn lãnh đạo địa phương và nhân dân tiếp tục bàn bạn để đi đến một phương án thống nhất cuối cùng.

 

Theo phản ánh của người dân Hương Bình thì họ chưa được chính quyền địa phương bàn bạc về việc sáp nhập trường Hương Bình?

- Không có việc bàn bạc giữa chính quyền với người dân thì phải tiến hành bàn bạc. Đấy cũng là yêu cầu của Đảng và Nhà nước khi thực hiện các chủ trương lớn.

Việc sáp nhập, giải thể, chia tách trường trung học được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 12/2011, nhưng trong thông tư này lại không có quy định yêu cầu cơ quan chức năng phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có con em học tại trường. Theo ông đây có phải là sự thiếu sót trong quy định và nếu đúng, có cần phải bổ sung thêm nội dung này?

- Tôi nghĩ thông tư có thể bỏ sót những nội dung mà khi soạn thảo, những người có trách nhiệm chưa lường trước được. Nhưng một khi thực tiễn đã xảy ra như vậy thì Bộ GDĐT có thể hướng dẫn bổ sung. Tôi cho rằng kể cả khi không có trong quy định thì mọi cán bộ, mọi cơ quan quản lý luôn phải hiểu rằng, muốn triển khai một chủ trương lớn liên quan đến quyền lợi của nhân dân thì điều trước tiên là phải bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân. Đấy chính là thể hiện của sự dân chủ, là phương pháp làm việc cơ bản chứ không nhất thiết phải có quy định trong văn bản này, văn bản kia.

Trong trường hợp này, nếu cần thiết thì Bộ GDĐT có thể sửa chữa, bổ sung nội dung này để hướng dẫn các địa phương thực hiện một cách đồng bộ và hàng loạt. Nhưng như tôi đã nói nội dung này không có trong hướng dẫn thì việc địa phương triển khai một chủ trương lớn như vậy, một việc sáp nhập trường ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân, của học sinh thì vấn đề bàn bạc dân chủ để tạo ra sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhân dân là điều đương nhiên không phải bàn cãi. Đấy cũng là nghệ thuật quản lý, là nhiệm vụ của người quản lý.

Để xảy ra tình trạng căng thẳng giữa người dân và chính quyền, đặc biệt khiến hàng trăm cháu học sinh phải nghỉ học, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

- Theo tôi, cả ngành dọc về giáo dục – đào tạo và chính quyền địa phương đã không làm hết trách nhiệm nên không giải quyết được triệt để vụ việc này. Để hàng trăm cháu học sinh nghỉ học kéo dài như hiện nay thì không nên đôi co chuyện ai đúng ai sai nữa. Trong trường hợp chưa bàn bạc, thống nhất thì cứ để các cháu học bình thường như trước, khi nào bàn bạc xong thì thực hiện. Tức là không phải dừng thực hiện chủ trương sáp nhập vì chưa biết nguyện vọng của người dân đã phù hợp hay không. Nhưng điều cần làm là mọi việc phải được đưa ra bàn bạc, trao đổi một cách thỏa đáng, để mọi người cùng quán triệt. Chúng ta sắp xếp lại hệ thống trường cũng vì con em chúng ta, vì sự nghiệp giáo dục. Người được hưởng thụ từ việc này phải là các em học sinh. Vậy phải tự hỏi tại sao một chủ trương đúng, đem lại lợi ích cho nhân dân mà không nhân dân ủng hộ chứ?

Còn trách nhiệm của Bộ GDĐT khi để vụ việc này kéo dài?

- Khi vụ việc đã trở nên phức tạp, nghiêm trọng thì các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ GDĐT cần phải vào cuộc trực tiếp và có chỉ đạo hướng dẫn một cách hợp lý, hợp tình để cùng với địa phương giải tỏa vướng mắc.

Đã từng có 21 phụ huynh ở xã Khánh Thành (Yên Thành, Nghệ An) bị dính vòng lao lý cũng do phản đối chủ trương sáp nhập trường. Điều này cho thấy đây không còn là vấn đề địa phương. Theo ông, cần có giải pháp gì tránh xảy ra những chuyện tương tự như ở Hương Bình?

- Phải xem đây là một vấn đề lớn, cần có nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Chủ trương sáp nhập trường khi triển khai về cơ bản được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên cũng xuất hiện một vài trường hợp đặc biệt, bởi người dân nơi đó có hoàn cảnh, điều kiện đặc biệt nên cần phải có nghiên cứu thấu đáo. Ít nhất sự việc phản đối cũng đã xuất hiện ở vài ba địa phương, nhưng có tỉnh giải quyết tốt, có tỉnh giải quyết không tốt. Chính vì thế phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để rút kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hiệu quả.

Xin cảm ơn GS !

    Nói về vai trò của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong vụ việc này, GS Đào Trọng Thi cho rằng: Quốc hội là cơ quan giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, đối tượng giám sát của chúng tôi là các cơ quan của Chính phủ, chính là Bộ GDĐT. Bởi vậy khi có yêu cầu thì chúng tôi mới can thiệp chứ không can thiệp để giải quyết những tình huống cụ thể. Cho đến nay, thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc về Bộ GDĐT.