Dân Việt

Đừng vô cảm nữa

Nguyễn Quang Thân 26/11/2014 06:30 GMT+7
Chúng ta đã vĩnh biệt con tê giác Java một sừng cuối cùng của nước ta. Trước đó, chúng ta cũng đã chôn vùi vào dĩ vãng con bò xám Couprey - loài bò rừng có giá trị hàng tỷ đô la vì nó có khả năng thay đổi gen cho một nửa đàn bò nuôi trên thế giới nếu các nhà khoa học có một vài cá thể trong tay.

Chúng ta cũng đã vĩnh biệt những cánh rừng lim, rừng khộp, rừng dầu và những loài cây gỗ “thiết mộc”, rắn hơn thép, quý giá hơn thép. Rừng gỗ quý trước đây có ở Quảng Ninh, các tỉnh trung du Bắc Bộ, Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và cả một số tỉnh đồng bằng sát cạnh thành phố Sài Gòn xưa như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước. Nhưng chúng đã bị đẩy lùi tít tắp lên trên, thu hẹp lại với tốc độ chóng mặt, được thay thế bằng cây gỗ keo, bạch đàn hay cao su hoặc chỉ còn là cỏ tranh.

Tin tức những ngày hôm nay đang làm chúng ta sửng sốt nếu ai đó còn lo nghĩ tới tương lai của đất nước và cuộc sống bền vững của con cháu mai sau. Một ngàn con rùa biển - động vật quý hiếm trong Sách đỏ, có cả cá thể mang chip tin học của các nhà khoa học, để xác lại chỉ trong một cơ sở mỹ nghệ ở Nha Trang! Thanh tra Chính phủ vừa kết luận hàng ngàn ha đất với 31.500m3 gỗ quý bốc hơi trong quá trình thực thi một số dự án tại Gia Lai trong thời gian ngắn gần đây...

Tại sao có nơi như ở Thừa Thiên – Huế và một số nơi, người ta tự giác thả từng con rùa “sách đỏ” về biển khơi thì ở Nha Trang hàng ngàn con rùa quý hiếm bị giết thịt mà không ai biết, chính quyền chỉ “té ngửa” ra chỉ khi tình cờ tội ác được phát hiện? Tại sao, rừng Tây Nguyên, rừng miền Trung và cả rừng Tây Bắc bị đốn chặt dưới danh nghĩa “dự án” (thủy điện hay trồng cao su) mà cơ quan phê duyệt hay cơ quan chức năng bảo vệ rừng có mắt như không, phải chờ thanh tra, mà thanh tra thì thường đến sau khi mọi thứ đã xong xuôi? Mấy ngàn con rùa quý bị tàn sát, hàng vạn mét khối gỗ quý bị “bốc hơi” chứ có phải cây kim rơi xuống đất hay bát nước đổ xuống nền nhà. Đành rằng, cuối cùng tìm ra “xác rùa” hay tệ hơn là “con số” gỗ quý bốc hơi, còn hơn không phát hiện ra. Nhưng đó là sự chậm trễ không thể chấp nhận. Được vạ má sưng còn là may. Đằng này phát hiện ra thì chẳng còn gì, con sáo đã sang sông, trong khi những người có trách nhiệm chỉ phải ngồi vài buổi kiểm điểm nhau rồi lại tiếp tục để xảy ra tội ác nào đó.

Nếu cứ đà này, chỉ trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ vĩnh biệt nốt những cánh rừng đại ngàn uy nghi cuối cùng, những con thú kiêu sa cuối cùng và chắc chắn lúc đó thì mọi thứ đã quá chậm trễ.

Xin đừng vô cảm nữa khi đứng trước những cái chết được báo trước. “Xin đừng hỏi, chuông đang nguyện hồn ai. Chuông đang nguyện hồn anh đó” (nhà thơ Anh John Donne). Tại sao khi thủ môn của đội tuyển Việt Nam để trái bóng Indonesia lọt qua chân vào lưới thì bao người xót xa mấy ngày. Vậy mà, cũng trong thời gian ấy, không biết có mấy người buồn một phút khi nghe tin phát hiện hàng ngàn xác rùa biển ở Khánh Hòa và hàng vạn mét khối gỗ quý bốc hơi cùng hàng ngàn ha rừng bị tàn phá ở Gia Lai?

Chúng ta đang sống cho cái gì vậy khi chẳng mấy ai lo nghĩ tới tương lai và những cái chết được báo trước?