Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn - khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã có những khuyến cáo giúp người dân phân biệt đúng bệnh.
Chuyển mùa - tăng bệnh
Thời tiết chuyển mùa, gây mưa nhiều, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng cho các loại virus xuất hiện. Mỗi ngày, khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến khám với các triệu chứng chung như sốt cao 39-40 độ, ớn lạnh, đau đầu, đau người, đau xương khớp, mệt mỏi kéo dài từ 5-10 ngày.
Có người còn bị rối loạn tiêu hóa hay viêm kết mạc mắt, ho khạc đờm. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm máu thì có nhiều chẩn đoán khác nhau. Đa số là sốt virus nhưng cũng có người bị nghi sốt xuất huyết, viêm não hay sốt phát ban.
Khi trẻ quấy khóc, sốt cao cần cho đi khám ngay. |
Tuy nhiên, rất nhiều người đều tự điều trị ở nhà dùng kháng sinh liều cao, uống thuốc giảm sốt tùy tiện gây lãng phí, kháng thuốc khiến cho việc điều trị sau này khá vất vả, tốn kém. Nếu sốt xuất huyết, viêm não còn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như liệt, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi.
Muốn xác định rõ sốt do vi khuẩn hay virus thì bệnh nhân phải đến bệnh viện để được thử máu mới có kết luận chính xác, từ đó bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.
Cần phân biệt các loại sốt
Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện bệnh cúm A/H1N1 với nhiều biểu hiện ban đầu giống như sốt xuất huyết. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng kèm theo sẽ khác nhau. Người nhiễm cúm A/H1N1 có các dấu hiệu như ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau đầu, đau người, rét run, mệt mỏi. Còn người bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, từ ngày thứ 2, thứ 3 còn có các biểu hiện xuất huyết dưới da, mắt…
Sốt rét có các hiện tượng đột ngột sốt cao và rét run. Sốt thường kéo dài vài giờ hoặc cuối giờ chiều rồi ngừng. Khi nhiệt độ cơ thể xuống thì vã mồ hôi. Sốt thương hàn bắt đầu ớn lạnh như bị cảm. Nhiệt độ mỗi ngày tăng một ít, đôi khi kèm theo đi ngoài và kiệt nước. Nhiều người còn run rẩy, mê sảng, tinh thần không tỉnh táo.
Sốt phát ban (Rubella) cũng có các hiện tượng giống thương hàn và có biểu hiện như lên sởi. Biểu hiện như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, đôi khi mắt đau nhẹ. Sau đó nổi hạch ở sau tai và gáy, trên da xuất hiện các nốt ban màu hồng, từng đốm, sau đó lan dần từ mặt xuống cổ và toàn thân (trừ lòng bàn chân, bàn tay), các nốt ban rát sần.
Đối với trẻ em còn có bệnh “chân tay miệng” do virus Entero 71 gây ra cũng có triệu chứng sốt nhẹ, kèm theo sưng miệng, nổi bong bóng nước to bằng đầu đũa, màu xám, hình ô van ở mông, gối, lòng bàn tay, bàn chân và không đau.
Bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ, gây loét trong miệng. Một số trẻ em còn bị nôn hay tiêu chảy khi bóng vỡ. Bệnh không được điều trị sớm sẽ gây biến chứng nguy hiểm do virus tấn công vào não khiến trẻ bị run chi, hốt hoảng, giật mình, huyết áp tụt.
Ngoài ra, có thể tự chẩn đoán bằng các yếu tố dịch tễ như người vừa đi từ vùng có người sốt xuất huyết hay sốt rét về. Những người tiếp xúc với gia cầm sống, với người bị cúm A/H1N1 cũng dễ bị nhiễm cúm… Cách phòng ngừa bệnh lây truyền tốt nhất là tích cực dọn sạch sẽ môi trường sống, vệ sinh cá nhân. Khi có người nhà sốt cao, nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhất và có các dự đoán về dịch tễ để nhận biết bệnh.
Lê Giang - Minh Nguyệt (ghi)