Dân Việt

Tiểu thuyết “Thân xác”: Tiếng ca buồn về số phận

09/05/2011 11:36 GMT+7
(Dân Việt) - Những trang viết của nhà văn người Tày Hoàng A Sáng trong tác phẩm “Thân xác” (NXB Phụ nữ, 2011), ngân vọng u buồn và dằn vặt như một hành trình tự vấn của chính tác giả.

Cảnh báo sự thoái hoá!

Nhiều tối café ở Hà Đông (Hà Nội), A Sáng nói đến kế hoạch hoàn thành cuốn tiểu thuyết về số phận cộng đồng người Tày ở bản Pác Thay của mình. Nhưng mãi, và nhiều lần, nhà văn quê huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), bươn chải lập nghiệp ở Hà Nội vẫn tự nói về những trang văn trong mơ trước mặt bằng hữu như để thêm phần hối thúc bản thân.

img
 

Mãi gần đây cuốn sách mới ra đời sau nhiều ngày đêm vật vã như con đường của A Sáng – như lời bộc bạch của anh về số phận nhân vật chính trong câu chuyện, đồng thời cũng thấp thoáng hình bóng tác giả.

img
Nhà văn, hoạ sĩ A Sáng

Tiểu thuyết xoay quanh một đoạn đời cô gái người Tày tên là Nhình, từ bản Pác Thay xuống Hà Nội học thì được “mỹ lệ hóa” thành Nhung, dấn thân vào vòng quay chóng mặt của đô thị, vào sự khốc liệt của cuộc cạnh tranh giữa một đời sống đang thoái hoá để có thể kiếm thật nhiều tiền và “cưỡi lên đầu người khác”.

Từ cô sinh viên chân ướt chân ráo nhưng đầy hoài bão, Nhình trở nên lọc lõi, biết quyến rũ sếp để có vị trí cao trong cơ quan và biết hằn học trước những ghen ghét. Đường đi của Nhình song song với đường đi của cộng đồng bình yên, thuần phác nơi cô sinh, nay đang biến màu với các giá trị bị đảo lộn: Đạo đức tụt dốc, lòng tham bùng cháy, văn hoá lấp lánh bao đời bị cấu xé…

Cán bộ Thình - chú của Nhình, quyết tâm chiếm đoạt đồi dẻ của người trai chất phác A Sàng, giao cho cánh doanh nghiệp đào bới, khai thác man-gan để đến mức gây ra cái chết thảm của chính mình và A Sàng. Dân bản đổ xô đi đào quặng, kiếm được nhiều tiền, sắm được nhiều đồ đạc thì lại tàn phá thiên nhiên, quên đi tiếng hát và nhiều thanh niên nghiện hút…

Hy vọng cuối?

Nhưng không chủ quan trong việc đưa ra những đối chọi truyền thống – hiện đại, cũ – mới, trong sáng – vẩn đục… như một cách lý giải cho quá trình thoái hoá, tác giả có ý thức đi vào những ẩn ức để góp phần làm rõ nguyên nhân. Các nhân vật được thể hiện qua những đoạn miêu tả ngoại hình, cử chỉ sinh động, tạo nên dấu ấn tính cách và gợi nhiều liên tưởng cho người đọc.

Cán bộ Thình cả đời lo lắng và hèn đớn, có khuôn mặt bé tí, thân hình gầy nhỏ, dẻo dai và đặc biệt là suốt mấy chục năm chỉ biết nhòm trộm bà Sẳn tắm. Tay sếp béo đến chảy nhão của Nhình nhiều năm mang ám ảnh đói ăn thời bao cấp nên lúc nào cũng nghiện món thịt lợn rán. Suốt đời y bó vào sự an phận và ý thức phục tùng và cũng chính nhờ thế mà thăng tiến.

img A Sáng chọn hạt dẻ để làm biểu tượng văn hoá người Tày Trùng Khánh. Hành trình của cái hạt dẻ chính là hành trình của cuộc đời cô gái. Hành trình một nền văn hoá của cộng đồng nhỏ hay lớn cũng vậy. Nó luôn luôn phải đương đầu với những thách thức đến tàn bạo và nguy hiểm từ một đời sống phi nhân tính, phi văn hoá để tồn tại và toả sáng. img

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Còn Nhình, lúc nào cũng giấu trước bụng viên ngọc màu hạt dẻ non - là ánh sáng hiếm hoi còn lại của văn hoá và phẩm tính, là là gốc cội, là chỗ dựa để cô cố níu giữ linh hồn và cầu xin sự bao dung.

Câu chuyện khép lại buồn thảm khi màu xanh bản làng bị bóc lên trơ ra một đất đỏ bầm sắc máu. Cái cọn nước họ Hoàng bao đời quay không nghỉ, đổ gục xuống bùn. Con cá trầm to như con trâu, có cái mõm kỳ dị chết dạt vào bờ, và Nhình bước lên xe của cơ quan điều tra.

Chút hy vọng le lói còn lại ở viên ngọc được Nhình dứt ra, ném xuống dòng Săm Tang quê hương. Văn hoá và tinh thần một dân tộc có lẽ còn bảo lưu ở đó và nó đặt ra một câu hỏi đầy băn khoăn về sự tiếp nối...