Dân Việt

Vỡ mộng với cây tạo trầm: Khánh kiệt cùng cây dó bầu

Thuận Hải 27/11/2014 06:46 GMT+7
LTS: Hàng trăm hộ nông dân dọc theo các tỉnh Đông Nam Bộ chạy theo lời đồn về cây tạo trầm hương dó bầu sẽ cho tiền tỷ sau một thời gian ngắn chăm sóc. Họ bỏ ruộng vườn để nuôi giấc mộng trở thành tỷ phú nhưng nhiều người đã trắng tay vì cây dó bầu.

Với mong muốn có thu nhập tiền tỷ để đổi đời từ thửa ruộng, mảnh vườn, nhiều nông dân các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… ồ ạt trồng cây dó bầu. Trong khi đó, số người “trúng trầm”, thành tỷ phú đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng trăm hộ dân “sạt nghiệp” vì sau cả chục năm chăm sóc, vườn dó bầu chết dần, hoặc còn sống thì không cho trầm, hoặc thương lái không mua…

Giấc mộng buồn của nhà nông

Thống kê của Hội Trầm hương Việt Nam (VAWA), diện tích trồng cây dó bầu tại Việt Nam đã tăng từ 8.000ha năm 2007 lên đến trên 30.000ha vào năm 2011. Sau đó, do hàng loạt diện tích dó bầu không tạo trầm, thương lái không mua nên nhiều nông dân đã phải chặt bỏ vườn, diện tích giảm mạnh.

img
Nông dân Đồng Nai rầu rĩ nhìn đống gỗ dó bầu chưa biết bán cho ai. THUẬN HẢI
Đến khoảng cuối năm 2013, khi giá trầm hương trên thế giới tăng mạnh và những lời đồn thổi về cây “bạc tỷ” dó bầu lan rộng, diện tích trồng dó bầu tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu… đã tăng mạnh trở lại. Hiện tại, diện tích dó bầu cả nước ước đạt 20.000ha với khoảng 15 – 20 triệu cây.

 

Lặng nhìn vườn cây dó bầu của mình, ông Trần Văn Đông, (ngụ xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) thở dài nuối tiếc bảo rằng ông được một số anh em quen biết giới thiệu nên dốc sức đầu tư trồng 600 cây dó bầu. Những tưởng sẽ thu tiền tỷ theo như lời đồn đoán, thế nhưng đến nay, sau nhiều năm “vật vã” với dó bầu, vườn cây của anh chết dần, chết mòn vì không phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng… Phần khác, nhiều cây dó trưởng thành cũng “chết đứng chết nằm” sau khi được khoan, cắt, bơm thuốc kích thích tạo trầm, chỉ còn lại khoảng 200 cây đang trong tình trạng “ngắc ngứ”, không rõ tương lai. Bao nhiêu tiền bạc, công sức của anh đổ dồn vào vườn "cây bạc tỷ" giờ coi như mất trắng, không thể thu hồi về được.

Trong khi đó, đường về huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, dọc theo các xã Phú Lộc, Phú Sơn, Phú Trung…, đâu đâu cũng có thể nghe người dân nói chuyện trồng dó bầu. Ông Ngô Duy Tư - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trầm hương Tân Phú (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), cho biết, tính sơ sơ, cả huyện Tân Phú hiện có trên 100.000 cây dó bầu đủ các độ tuổi.

Có một điều thật lạ mà chúng tôi cảm nhận được rằng, cây dó bầu ở đây nhiều bao nhiêu thì nỗi buồn của các nông dân với giấc mộng đổi đời ở vùng này cũng như thế. Ông Nguyễn Phương, ngụ ấp Phú Lâm 5, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) lo lắng nói rằng nghe một số thương lái trong vùng giới thiệu nên gia đình ông vừa đầu tư trồng 6ha dó bầu, cả trồng thuần lẫn xen trong vườn điều. Ông Phương cho rằng, nhiều người trong vùng khẳng định, việc trồng dó bầu tạo trầm có thể đem về ít nhất 1 tỷ đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác như điều, cà phê… nên ông quyết tâm “đánh liều một phen cuối đời”. Nhưng tiền tỷ thì chưa thấy mà tiền đầu tư vào vườn cây dó bầu cũng đã khá nhiều rồi, chưa biết có thu về được hay không.

Tiền tỷ để mục trong kho

Dù nhiều lần “nghe phong thanh” rằng mỗi cây dó bầu sau 7 – 8 năm tuổi có thể bán được từ 4 – 7 triệu đồng, tính ra mỗi ha trồng 1.000 cây dó có thể thu về tiền tỷ, thế nhưng thời gian qua, hầu hết bà con trồng dó bầu không bán được hàng, phải vứt trong vườn hoặc chất đống, mục rủn trong kho.

Ông Ngô Duy Tư cho biết, dù đã theo ngành trầm hơn 10 năm qua nhưng ông vẫn chưa thấy mô hình trồng dó, tạo trầm nào được cho là thành công như mong muốn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể áp dụng rộng rãi. Thay vào đó, những thất bại, thua lỗ trong việc tạo trầm cho cây dó bầu vẫn chưa dừng lại. Nhiều người sau thời gian nuôi giấc mộng trồng "cây bạc tỷ" giờ trắng tay, muốn quay lại với vườn cây, ruộng lúa như trước cũng khó vì kiệt quệ tài chính. Ông Tư kể có người thất bại cứ đứng ngoài vườn cây dó bầu mà khóc rấm rứt.

Theo đó, từ trước năm 2013, có một số thương lái từ TP.HCM, Trung Quốc, Đài Loan… đến Tân Phú lùng mua trầm với giá cao, giá từ 5 – 7 triệu đồng một cây trắng, tức cây dó trưởng thành, chưa tạo trầm, hoặc như trầm miếng đã khai thác, giá cũng từ 7 – 10 triệu/kg. “Thế nhưng họ chỉ báo giá thế thôi, rồi đi mất. Từ đầu năm đến nay, thương lái gần như vắng bóng, chỉ có một vài người hỏi mua nhưng giá đã giảm hơn một nửa, thậm chí, giảm đến 70%”- ông Tư cho biết.

Bà Xuân, chủ một cơ sở tạo trầm ở xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, thương lái gần như vắng bóng nên số dó bầu gia đình đã quét thuốc, tạo trầm phải thu hoạch, đem về chất đống trong kho.

“Trầm hương nhân tạo chỉ có một lớp rất mỏng, nếu để lâu ngày mùi thơm sẽ bay mất, tinh dầu cũng hao hụt. Hơn nữa, gỗ để trong kho lâu ngày sẽ mục rủn, hư hỏng. Tính là thu tiền tỷ từ vườn dó mà giờ coi như củi mục, đem đốt cũng không xong” - bà Xuân than thở.

“Đến nay, 55 tuổi mà chưa có được căn nhà, phải đi ở nhà thuê. Hơn 17 năm bám víu cây dó bầu với trầm hương để mong đổi đời, ai dè cuối cùng lại thành người tán gia bại sản, không thấy tiền tỷ đâu hết”- anh Đinh Hữu Thông, một hộ trồng dó bầu ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) rầu rĩ khi được hỏi về hiệu quả của cây dó bầu.

  Nở rộ cơ sở chế biến trầm hương

Đại diện Câu lạc bộ Trầm hương Tân Phú cho biết, vào đầu năm 2013, thương lái từ Trung Quốc và TP.Hồ Chí Minh đổ xô về mua trầm, loại nào họ cũng bảo là mua được, các cơ sở chế biến trầm hương do đó cũng mọc lên như nấm. Cả huyện Tân Phú có đến hơn 50 cơ sở sản xuất trầm, thu hút hàng nghìn công nhân từ các nơi đến. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn vài cơ sở hoạt động cầm chừng, lượng công nhân giảm đến 70%.

 Việt Nam hiện là nước có sản lượng trầm hương lớn thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thô sang Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch, chỉ 5% sản lượng trầm hương xuất khẩu được chế biến sâu.