Những đứa trẻ không cha
Bản Cờ Đỏ (xã Thượng Trạch) có 37 hộ dân người Ma Coong cư ngụ nằm lọt thỏm giữa rừng thẳm. Mặt trời vừa khuất núi, trong căn nhà sàn nhỏ ở cuối bản, một cô gái Ma Coong trẻ đang vung chày giã gạo thình thịch. Cô gái có tên Y Phích, năm nay mới 18 tuổi nhưng đã có một đứa con trai hơn 1 tuổi.
Bao năm qua, nhà Y Phích quanh quẩn với kiếp nghèo. No đói phụ thuộc nhiều vào gạo cứu trợ của Nhà nước hàng năm. Những đứa em của Y Phích đều nhỏ tuổi, chưa giúp được gì nhiều cho gia đình. Em trai của Y Phích là Đinh Câu (17 tuổi) cũng đã yêu một cô gái cùng bản. Cô gái này cũng đã sinh con với Câu. Do nhà Câu chưa có tiền “bỏ của” nên gia đình chưa đón được cô gái kia về…
Y Thu (SN 1990) ở bản Nịu còn khổ hơn Y Phích vì có tới 2 đứa con mà không có chồng. Đứa con gái lớn của Y Thu là Y Bây đang học lớp 3, con gái thứ hai học mẫu giáo. “Nó bảo thương miềng, nhưng khi miềng có con, nó không nhận. Một mình nuôi 2 đứa cực thân lắm. Ốm đau chẳng có tiền thuốc lo cho con. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn lắm!” – Y Thu chia sẻ.
Theo một cán bộ xã Thượng Trạch, ở 18 bản của người Ma Coong, hầu như bản nào cũng có những sơn nữ nuôi con một mình như Y Phích, Y Thu. Còn theo các thầy, cô giáo ở Trường Dân tộc nội trú Thượng Trạch, năm nào cũng có 3-4 học sinh phải nghỉ học giữa chừng vì lỡ mang bầu hoặc ở nhà lấy chồng khi chưa học hết lớp 9.
Quan niệm thoáng về tình yêu…
Ông Nguyễn Diệu – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: Trai gái ở đây chưa đến tuổi trưởng thành mà đã lấy nhau, thậm chí là có con phải nuôi một mình không phải là chuyện lạ. Đó là hậu quả của quan niệm rất thoáng về tình yêu, tình dục của người Ma Coong. Vẫn theo ông Diệu, trai gái ở đây được tự do yêu đương. “Nếu một đứa con trai ưng một đứa con gái nào thì hắn dùng tiền (tùy) sẽ “bỏ của” (đính ước) cô gái đó. Bỏ của rồi coi như cô gái đã là sở hữu của người con trai và từ đó họ có thể sống với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng tiến tới hôn nhân sau lễ bỏ của…”- ông Diệu lý giải.
Có một điều rất lạ lùng là nhiều cô gái Ma Coong nuôi con một mình nhưng vẫn rất hồn nhiên, vô tư. “Hắn không thích ở với miềng nữa thì hắn đi thôi” – đó là câu trả lời quen thuộc khi chúng tôi hỏi về chồng của các cô.
Một cán bộ xã Thượng Trạch còn giải thích rằng, sở dĩ nơi này có nhiều sơn nữ nuôi con một mình là vì người Ma Coong có lễ hội Đập trống tổ chức một năm một lần vào ngày 16.1 âm lịch. Đêm tháng Giêng, trăng vằng vặc đó, từ già đến trẻ có một đêm tự do tìm người bạn tình của mình. Người có vợ hay chưa có vợ cũng đến lễ hội, họ ưng ai là có thể dẫn nhau ra rừng, ra bờ suối tâm sự. Sau mỗi mùa lễ hội đó, có thể rất nhiều đứa trẻ sẽ được ra đời…