Dân Việt

"Gần 40 năm, chưa có ngày nào biển đảo hay biên giới được yên tĩnh"

Thiên Việt (ghi) 28/11/2014 05:37 GMT+7
Việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho Công ty CP Thế Diệu triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine ở khu vực Cửa Khẻm - vị trí nằm trên đèo Hải Vân đã tạo nên những phản ứng trái chiều và cuối cùng địa phương đã phải dừng dự án. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng nhiều địa phương cần rút kinh nghiệm từ bài học của Thừa Thiên - Huế.

Tôi rất mừng khi biết tin đã dừng dự án ở đèo Hải Vân. Đèo Hải Vân là một vị trí chiến lược trên đất nước, là khu vực tiếp giáp giữa Quân khu IV và Quân khu V nên mang tính chất chiến lược hiểm yếu trong hệ thống phòng thủ của đất nước. Thời kỳ làm Tư lệnh Quân khu IV tôi có nhiều dịp đi qua đèo Hải Vân. Với độ cao nghìn mét trên biển, từ đèo Hải Vân có thể quan sát và khống chế thành phố Đà Nẵng cùng khu vực cửa biển. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng; bởi vậy phải kiên quyết dừng và hủy bỏ hợp đồng với chủ dự án này.

img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Quan điểm
img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước • 
  Đất nước đã hòa bình được gần 40 năm, nhưng chưa có ngày nào trên biển đảo hay biên giới được yên tĩnh. Vì vậy chúng ta luôn phải cảnh giác.  
Tuy nhiên sự việc này không nên dừng lại ở đây. Hiện tượng cho người nước ngoài thuê đất trong thời gian qua đã xảy ra ở nhiều tỉnh và địa phương. Các nhà chức trách quản lý ở địa phương cần được đào tạo thêm để có kiến thức về an ninh quốc phòng, kinh tế của địa phương mình. Các lãnh đạo địa phương nên nhớ rằng: Xây dựng kinh tế ở địa phương mình luôn luôn gắn liền với lợi ích quốc phòng và an ninh của địa phương. Vì điều đó luôn gắn liền với sự tồn vong và phát triển của đất nước. Cũng xin đề nghị lãnh đạo địa phương từ nay cần phải nghiên cứu kế hoạch phòng thủ của địa phương mình và trên cơ sở đó có kế hoạch bảo vệ cụ thể. Trong khu vực địa phương mình lãnh đạo thì phải xác định được những khu vực nào là khu trọng yếu, có ý nghĩa chiến lược quốc gia để có biện pháp bảo vệ hiện hữu khi chiến tranh xảy ra.

 

Một số địa phương cho thuê đất ở một số địa bàn xung yếu có thể là do nhận thức hoặc do sơ hở đã để hậu quả về mặt quốc phòng và an ninh cho đất nước. Qua bài học này tôi xin đề nghị Bộ Quốc phòng: Những ai trúng cử vào lãnh đạo địa phương thì phải được trang bị những kiến thức cụ thể về mục tiêu quốc phòng an ninh trước tiên.

Đất nước đã hòa bình được gần 40 năm, nhưng chưa có ngày nào trên biển đảo hay biên giới được yên tĩnh. Vì vậy chúng ta luôn phải cảnh giác. Rất mong những người quản lý, những nhà lãnh đạo hãy luôn nhớ điều đó.

  Là bộ đội biên phòng tuyến biển, tôi thấu hiểu tầm quan trọng và vị trí chiến lược ở khu vực đèo Hải Vân. Cắm chốt ở đây có thể quản lý được toàn bộ hoạt động tàu thuyền trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cả nước. Bài học “chiếc nỏ thần” vẫn còn nguyên giá trị. Sao lãnh đạo Thừa thiên- Huế lại cho đối tác nước ngoài chiếm lĩnh một vị trí quan trọng như vậy? Ngoài việc vì sự phát triển kinh tế địa phương còn lý do gì khác? Thiết nghĩ ngành an ninh phải vào cuộc, dù dự án đã được dừng lại.
Đại úy Nguyễn Văn Tài    (Đồn biên phòng Quất Lâm, Nam Định)
 Dự án nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân - một vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng của ta -  được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ký với Công ty Thế Diệu mà giám đốc là người Trung Quốc đã gây nhiều ý kiến bất bình trong xã hội. Chẳng lẽ giới lãnh đạo của tỉnh này không nhìn thấy rằng toàn Đảng, toàn dân ta vẫn luôn phải nêu cao cảnh giác trước những hành động xâm lấn biên giới và biển đảo mà Trung Quốc vẫn chưa khi nào có ý định từ bỏ đối với đất nước ta? 

Hoan nghênh tỉnh đã cho dừng thực hiện dự án, xong cũng rất cần làm rõ trách nghiệm của những tập thể, cá nhân trong việc ký dự án.

Hoàng Tiến Minh (Vũ Sơn, Bắc Sơn, Lạng Sơn)


 Dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine-Huế được cấp phép đã gây nên làn sóng dư luận bất bình của nhiều tầng lớp trong xã hội! Vì mục đích phát triển kinh tế địa phương hay mục đích kinh tế nhóm mà đã nhắm mắt ký bừa dự án này với phía đối tác nước ngoài bất chấp an ninh quốc phòng của quốc gia. 

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao cả một hệ thống chính trị, các cơ quan hữu trách của Thừa Thiên - Huế lại có những suy nghĩ và hành động nhạy cảm như vậy, khi vị trí dự án nằm trong vùng chiến lược phòng thủ quốc phòng đặc biệt quan trọng. Theo tôi việc dừng ngay dự án là biện phát cấp thiết, đồng thời phải làm rõ và xử lý nghiêm đối với những người liên quan.

Nguyễn Đức Nghĩa (Đại lộ 2, quận 9, TP.HCM)

 Đã nhiều năm trong lực lượng Hải quân, tôi biết Cửa Khẻm là điểm vươn xa nhất của đèo Hải Vân và gần nhất với đảo Hải Nam của Trung Quốc, đặt thiết bị ở đây sẽ kiểm soát được cả vùng biển. Nhưng không hiểu vì sức ép của lãnh đạo tỉnh, hay kiến thức quân sự non yếu, hay lý do “tế nhị” nào khác mà Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa thiên - Huế lại đồng thuận cho người Trung Quốc xây dựng khu nghỉ dưỡng tại nơi đây. Bộ Quốc phòng cần làm rõ việc này để xử lý nghiêm.

Đại tá Đặng Đức Năng (Cựu chiến binh ở Quảng Yên, Quảng Ninh)

Ai cũng hình dung ra được, nếu chiến tranh xảy ra mà kẻ địch chiếm được đèo Hải Vân thì đất nước sẽ bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Nên cái yết hầu này không thể để nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc nắm giữ. Cảm ơn cơ quan báo chí đã sớm phát hiện, cảm ơn TP.Đà Nẵng và nhiều cựu chiến binh đã lên tiếng, và hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho dừng dự án. 

Trần Đăng Tuynh (Gò Vấp, TP.HCM).

n Khi nói về việc cho đối tác Trung Quốc làm khu nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân, nhiều lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn khẳng định đã thực hiện đúng quy trình… Tôi cho rằng đây chỉ là sự bao biện. 

Tình hình Biển Đông đang như nước sôi, lửa bỏng, đến người dân cũng còn cảnh giác cao độ thì lãnh đạo Thừa Thiên- Huế không thể không nhận rõ sự nguy hiểm về quyết định của mình. Vậy mà họ vẫn phê duyệt dự án? Cũng may là họ đã sớm nhận ra sai lầm và cho dừng dự án.

Phạm Văn Hữu (Hiệp Hòa, Bắc Giang)