Biên lai “khấu trừ”
Đừng để trẻ em trở thành nạn nhân của sự thù hận. (Ảnh minh hoạ) |
Sau khi ly hôn vì quá ngột ngạt với sự cấm đoán của chồng, chị Lê Hương Giang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới phát hiện ra chồng đã có con riêng với người phụ nữ khác. Điều đó không làm chị phẫn uất bằng lối hành xử của anh ta đối với con. Anh ta là một người có công việc ổn định, thu nhập hơn chục triệu, nhưng tòa chỉ yêu cầu cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng nuôi con.
Hai tháng đầu, chị nhận tiền đầy đủ. Nhưng tháng sau, mở phong bì như mọi khi, chị sững người thấy một mớ tiền lẻ và tờ giấy bạc của gói thuốc lá, trên đó ghi: “Khấu trừ tiền nuôi con tháng 5”. Anh ta gạch đầu dòng các khoản: “Mua cặp sách 147.000 đồng, mua bánh 20.000 đồng, mua đồ chơi: 37.000 đồng, mua mũ: 50.000 đồng, mua đồ dùng học tập: 95.000 đồng.
Tổng cộng: 349.000 đồng, còn lại 651.000 đồng”. Đọc hết tờ giấy, chị choáng váng, phải ngồi thụp xuống đất. Chị đã nhắn tin cho chồng cũ, bảo nếu thấy cần phải trừ chi ly như vậy thì không cần gửi tiền nữa. Nhưng anh ta nhắn lại: “Tôi không muốn sau này nó trách tôi vô trách nhiệm. Ăn ở nhà tôi mấy bữa đã không tính rồi”.
Từ đó, tháng nào chị cũng nhận được vài trăm nghìn kèm theo một tờ giấy “khấu trừ”. Mỗi lần đón con về chơi, ngoài tiền ăn sáng, ăn trưa, còn lại khoản gì mua cho con anh ta đều cộng lại và trừ vào tiền cấp dưỡng. Tháng trước, anh ta đi họp phụ huynh cho con, đóng tiền học, cũng trừ 345.000 đồng. Tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, con trai xin bố, anh ta cũng trừ 20.000 đồng…
Suốt 4 năm nay, chị vượt lên được khó khăn, nuôi con khôn lớn. Đứa con càng ngoan ngoãn, càng giỏi giang, chị càng cảm thấy uất hận và có lỗi với con. Chị không thể để nỗi đau qua đi khi hàng tháng phải nhận từ tay chồng cũ một phong bì có tờ giấy đề: “Khấu trừ tiền nuôi con”!
Giả nghèo
Thẩm phán Đinh Công Khế (Tòa án quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, một ngày, có cô gái mặc toàn hàng hiệu đắt tiền đến gặp tôi. Cô lo lắng người chồng sẽ kiện cô ra tòa vì cô không chịu cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.
“Nhưng em có gì đâu, không nghề nghiệp, ở nhờ nhà bố mẹ, tiền ăn cũng là đi vay mượn, nhờ vả thôi. Tất nhiên có buôn bán nhưng cũng chả kiếm được là bao” - cô chấm chấm nước mắt. Cô nhờ tôi tư vấn xem làm thế nào để lúc ra tòa có thể “thuyết phục” được họ là cô đang rất khó khăn, nghèo khổ, không thể mỗi tháng bỏ ra tiền triệu để cấp dưỡng hai đứa con 3 và 7 tuổi được. Trong khi chồng cũ có nhà to, công việc ổn định.
Tôi để cô xả hết nguồn cơn, lặng ngắm mái tóc nối, uốn lọn to rất sành điệu, gương mặt trang điểm cầu kỳ và đôi mắt dùng mi giả to chớp mãi không ra nước mắt. “Em có mái tóc cầu kỳ quá nhỉ, thế này phải chăm sóc kỹ lắm đấy”- tôi buột miệng. “Vâng, mỗi tháng em mất hơn 1 triệu để bảo dưỡng đấy” - cô tự hào vuốt tóc, mặt chợt tươi hơn hớn. Tôi chẳng biết nói gì với cô!
Thẩm phán Đinh Công Khế từng xử lý khá nhiều vụ ly hôn mà cha mẹ không lo đến việc chăm sóc đứa con đang bị tổn thương tình cảm, mà quay sang cãi cọ nhau, mặc cả từng đồng nuôi con. Tòa án sẽ căn cứ vào thu nhập và sự thỏa thuận của vợ - chồng để quy định mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. “Nhưng tòa lại chưa có căn cứ để xử những lối hành xử thiếu văn hóa, thiếu tình người của những người làm cha mẹ vô trách nhiệm” – ông Khế cho biết.
Diệu Linh