Vợ chồng chị Giáp Thị Dự - Nguyễn Ngọc Minh ở thôn 5, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh có diện tích hơn 3ha trang trại. Trước kia, thu nhập của vợ chồng chị chủ yếu từ cây vải. Do hiệu quả kinh tế từ vải ngày càng giảm, vợ chồng chị quyết định tìm hướng làm ăn mới.
Năm 2009, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi, vợ chồng chị đầu tư xây dựng mô hình nuôi lợn rừng. Ban đầu, chị mua 5 con lợn giống, trong đó có 4 lợn nái và 1 lợn đực. Theo chị Dự, kỹ thuật nuôi lợn rừng không khó. Quan trọng nhất là địa hình chăn thả rộng, thoáng, chủ động được nguồn thức ăn.
Theo chị Dự, chuồng cho lợn nái phải được thường xuyên làm vệ sinh. |
Tại trang trại, vợ chồng chị trồng khoai lang, bầu bí và sắn làm thức ăn cho lợn rừng. Những cây vải được vợ chồng chị để lại, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo bóng mát và không gian cho đàn lợn rừng. Qua gần 2 năm nuôi, đến nay vợ chồng chị đang duy trì đàn lợn rừng 18 con.
Chị Dự cho biết: “Lợn rừng 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 10 con. Nuôi 4 tháng, trọng lượng lợn con từ 10-15kg xuất bán giống. Những con lợn cái dáng xấu và lợn đực được giữ lại nuôi thành lợn thịt. Nuôi 7 tháng đến 1 năm, lợn thịt có trọng lượng từ 25-35kg/con thì xuất bán. Giá bán lợn rừng giống hiện nay 300.000 đồng/kg, lợn thịt 200.000 đồng/kg. Lợn giống và lợn thịt đều bán rất dễ, hầu như người mua đặt trước cả mấy tháng”.
Đến nay, ngoài đàn lợn rừng 18 con trong chuồng, vợ chồng chị đã xuất bán 10 con lợn giống và 6 con lợn thịt thu về gần 100 triệu đồng. “Cũng tiền đầu tư chuồng trại, cũng công chăm sóc, nhưng nuôi lợn rừng đỡ vất vả, chi phí ít hơn là nuôi lợn thịt thông thường, do sức đề kháng cao, nên lợn rừng ít mắc các bệnh dịch thông thường nên khả năng thu hồi vốn và sinh lời cao”- chị Dự chia sẻ.
Đông Hoàng