Báo đợt trước có đăng chuyện một cô cán bộ tòa án ở Bình Phước nói với người có liên đới công việc: “Cô là dân mà dám hỏi tôi thế à”. Có những cán bộ vào một số chức vụ đã ti toe nghĩ mình là “quan” thì mọi người phải thưa gửi và trong đầu họ chứa sẵn sự coi thường người dân. Thật sự là thảm hại cho những cán bộ như thế, họ thiếu hụt quá lớn về văn hóa sống và sự hiểu biết về xã hội. Không biết họ được đào tạo ra sao mà có những suy nghĩ ấu trĩ đến vậy.
Mấy năm trước có một số cán bộ cấp xã cũng chửi dân ngu, bị công luận lên án và bị kiểm điểm... Những tưởng cái đó là quá khứ, và nó chỉ xảy ra ở địa phương này nọ thì mới đây nhất, thảo luận về công khai nợ công cho dân biết thì có vị đại biểu cho rằng: “Công khai ngân sách như ở trên thế giới là rất hay, nhưng áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam còn khó lắm. Người dân hiểu biết gì đâu mà đóng góp ý kiến”. Đọc xong không tin ở mắt mình nữa. Không biết vị này nghĩ gì mà xổ cái giọng khinh mạn như thế khi nói về dân trí.
Nếu ông ta hiểu rằng, ngoài bộ máy công quyền, nhiều trí thức có học hiểu biết lại chưa có cơ hội lên tiếng thì ông ta không dám nói như thế. Người như ông ta mà nắm chức vụ quan trọng họ sẽ nghĩ dân là... đàn bò, sẵn sàng nói dối và bịt mắt không khó khăn gì. Thông tin nhanh nhạy của thế kỷ 21 không để những người như ông ta có cơ hội, vì bản thân cách nghĩ của ông ta đã quá lạc hậu. Bao giờ lọc hết những công chức như thế ra khỏi bộ máy công quyền? Đó cũng là yêu cầu bức thiết của cải cách hành chính hiện nay.