Hóa giải thách thức
Trò chuyện với phóng viên, ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng NTM, chúng tôi đã xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là không thể áp dụng mô hình như ở miền xuôi vì địa bàn huyện có rất nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, nhiều hộ thuộc diện khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong dân rất khó. Ngoài ra, do địa hình phức tạp, có tuyến đường thôn, xóm dài đến cả trăm km nên việc hoàn thành tiêu chí giao thông cũng là một thử thách lớn”.
“Đây là bước đi quan trọng mang tính quyết định bởi những thành viên này có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu đúng về Chương trình xây dựng NTM, từ đó vận động bà con cùng tham gia. Nhờ đó từ năm 2011 – 2013, huyện đã huy động được hơn 40 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó nhân dân đóng góp trên 20 tỷ đồng” – ông Báo nói.
Ông Đỗ Ngọc Tùng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồ cho biết: “Ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã cũng chú trọng đẩy mạnh sản xuất, phát triển một số loại cây ăn quả chủ lực như vải thiều, cam đường Canh, bưởi Diễn… Nhờ đó mà đến nay, việc thực hiện 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,35%, xã đã đạt 18/19 tiêu chí NTM”.
Có thêm 4.000 nông dân thu nhập cao
Để huy động nguồn lực có hiệu quả và thực hiện mục tiêu chính là tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, ngày 25.11.2011, huyện Lục Ngạn đã ban hành “Chương trình phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011 -2015”, trong đó xác định mục tiêu trọng tâm là “6 cây và 3 con” (gồm vải thiều, cam đường Canh, bưởi Diễn, lúa nếp cái hoa vàng, táo Đài Loan, cây lâm nghiệp và lợn, gà, bò). Tổng kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất được lấy từ vốn đầu tư trực tiếp của Chương trình xây dựng NTM, ước trên 5 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Phương – chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, hiện toàn huyện có trên 22.000ha cây ăn quả, trong đó có 17.500ha vải thiều, với gần 10.000 hộ tham gia trồng, sản lượng trên 100.000 tấn quả tươi/năm, doanh thu gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn có khoảng 541ha cam, 359ha bưởi Diễn và hầu hết diện tích này đều đang mang lại thu nhập khá cho bà con. “Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, mặc dù huyện chưa có xã nào cán đích nhưng tiêu chí thu nhập đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là đã có trên 4.000 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó hàng chục hộ có thu nhập hàng tỷ đồng” – ông Phương nói.
Nhà trồng 2 mẫu vải thiều, ông Phạm Văn Thắng ở thôn Nghĩa, xã Nghĩa Hồ vui vẻ nói: “Nhờ có con đường NTM mà việc đầu tư, chăm sóc, tiêu thụ vải thiều của chúng tôi rất thuận lợi. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch trên 5 tấn vải thiều, thu về hơn 100 triệu đồng”.