Sau những buổi lên giảng đường, niềm vui mỗi ngày của Nguyễn Trọng Đạt – sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền là được chờ đợi, theo dõi các trận bóng đá AFF Cup 2014. Đạt cho biết: “Phòng em có 8 người, ai cũng thích bóng đá nhưng lại không có tivi nên phải xem qua mạng Internet. Thỉnh thoảng, đang giữa trận đấu thì mạng trục trặc, cả nhóm nháo nhác chạy hết phòng nọ đến phòng kia rồi... tiếc rẻ vì đã qua những pha bóng đẹp. Xem xong lại phải mở mạng Youtube xem lại nhưng ai cũng vui”.
Nhiều sinh viên kiếm bội tiền nhờ các trận cầu của AFF Cup. Đàm Duy
KTX Trường Đại học Xây dựng Hà Nội những ngày này cũng nhộn nhịp hơn bình thường. Bạn Phạm Văn Tuấn – khoa Cầu đường cho biết: “Phòng có cái tivi nhỏ, mỗi lần có trận đấu là cả dãy dồn sang xem chật phòng. Nhiều pha bóng hay, phấn khích quá chúng em reo hò ầm ĩ, bị Ban quản lý KTX xuống nhắc, lập biên bản. Mấy trận sau phòng em phải đóng kín phòng và “nín thở” xem bóng đá trong... yên lặng. Bọn em không dám cho các bạn phòng khác sang xem nữa vì Ban quản lý KTX không cho tập trung quá đông người gây ảnh hưởng đến các bạn phòng khác học bài”.
Tại Trường Đại học Luật – Hà Nội, căng-tin chính là nơi thỏa mãn niềm yêu thích bóng đá của tất cả sinh viên. Cứ đến giờ đấu là căng–tin chật ních người. Chị Hoa - nhân viên bán hàng cho biết: “Trước khi AFF Cup diễn ra, chủ thầu căng-tin đã đầu tư màn hình cỡ lớn để phục vụ đam mê của các bạn sinh viên cũng để tăng thu nhập”.
Để thỏa mãn đam mê bóng đá của mình, Trần Văn Ngọc – sinh viên năm 3 khoa Sư phạm Toán (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) quyết tâm dành cả tháng lương gia sư của mình để mua vé vào xem các trận đấu có tuyển Việt Nam so tài. Ngọc nói: “Em hy vọng Ban tổ chức sẽ có kế hoạch phân phối vé trận bán kết lượt về của tuyển Việt Nam với Malaysia một cách hợp lý, chứ nếu để phe vé nâng giá lên cả chục lần thì sinh viên bọn em đành phải ở nhà xem tivi thôi”.
Yêu bóng đá, mỗi trận cầu có đội tuyển Việt Nam là sinh viên Nguyễn Văn Bách – Trường Đại học Nội vụ (Hà Nội) lại đến sân Mỹ Đình, nhưng không phải để xem bóng đá mà là để... kiếm tiền. Bách đã dùng số tiền sinh hoạt ít ỏi bố mẹ gửi cho để làm vốn buôn bán cờ, khẩu hiệu, băng rôn... phục vụ cho khán giả đến sân Mỹ Đình. Bách cho hay: “Mỗi trận nếu nhiều thì bán được hơn trăm cái băng rôn, cờ và hình dán, mỗi cái giá 5.000 – 25.000 đồng, em cũng lãi được vài trăm nghìn đồng mỗi tối”.