Dân Việt

Về thăm Đông Bắc

S.Nâu 01/12/2014 11:00 GMT+7
“Có lẽ trong các điểm thăm quan, thác Bản Giốc với cột mốc khẳng định biên giới đã để lại cho chúng em nhiều cảm xúc nhất. Được đứng bên, nhìn ngắm, chụp hình lưu niệm, rồi được đi quanh, chạm vào bia đá chủ quyền, chúng em có cảm giác như đang chạm vào vật gì đó rất thiêng liêng của Tổ quốc với niềm xúc động dâng trào, khó tả... Ngày xưa ông cha ta đã hy sinh biết bao xương máu để ngày nay con cháu mới có được những cột mốc ghi dấu chủ quyền đáng tự hào này và chúng em hiểu, tuổi trẻ chúng em cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để không chỉ xây dựng, mà c&ograv
img

 

Những ngày đầu đông 2014, tôi may mắn được mời tham gia chương trình tour về nguồn, khám phá Đông Bắc cùng các em học sinh thuộc 4 đội xuất sắc nhất của cuộc thi “Cùng non sông cất cánh lần thứ 4-2014” do Vietnam Airlines phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo và Sở Du lịch TPHCM tổ chức. Ngắm nhìn các em học sinh trẻ trung, những chủ nhân tương lai của đất nước với những hình ảnh xinh tươi, thông minh và năng động, tôi cảm thấy lòng mình phấn chấn… Niềm vui xen lẫn những cảm xúc tự hào trào dâng khi tôi nghĩ về điểm đến của chúng tôi là vùng Đông Bắc. Đây là vùng đất không chỉ có những thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, mà còn là căn cứ địa của cách mạng, là nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ Quốc…

Đông Bắc là vùng đất có cây rừng bao bọc nhưng lại có những con sông dài nối liền địa phận các tỉnh thành với nhau, có núi cao góc cạnh nhưng cũng có mây trời mềm mại, thênh thang… Vẻ đẹp nửa gợi mở nửa đóng kín ấy khiến con người ta vừa muốn trải lòng vừa muốn giữ riêng cho mình chút tâm tư, chẳng thế mà nhiều áng thơ, ca từ đặc sắc đã được tuôn ra từ mảnh đất dịu dàng này...

Này là hơi thở thiên nhiên…

 Cùng tham gia chương trình khám phá Đông Bắc với các em học sinh, hôm chia tay, bà Nguyễn Thị Minh Yến – Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Khu vực miền Nam cho biết, tour “Khám phá Đông Bắc” kết thúc cũng đã khép lại Chương trình “Cùng non sông cất cánh” lần thứ 4 sôi động, hấp dẫn và thành công. Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” đã và đang thực sự là sự kiện mong đợi của các em học sinh khối phổ thông trung học trên toàn TPHCM mỗi dịp tựu trường. Và Vietnam Airlines hy vọng sự thành công của cuộc thi liên tiếp qua các năm sẽ là động lực để ban tổ chức tiếp tục đầu tư, phát triển về quy mô, chất lượng của sân chơi bổ ích này trong tương lai…

Điểm đến đầu tiên khi đoàn chúng tôi đặt chân lên vùng cao Đông Bắc xinh đẹp là hồ Ba Bể. Anh Trần Thế Dũng – Hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ - người đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chuyến đi cho biết: Không những nằm trong top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ năm 2004, Ba Bể còn được công nhận là vườn di sản ASEAN và hiện đang được đề cử để UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.  Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Vì là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng nên dân trong vùng thường gọi Ba Bể với tên Slam Pé, tức ba hồ.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Ba Bể là màu xanh ngút ngàn của cây rừng bao quanh sắc nước trong veo, những mái nhà ngói còn ám khói đứng lấp ló sau những tầng lá và đôi thuyền độc mộc thân mảnh như chiếc lá non neo đậu đâu đó hai bên bờ. Không gian tĩnh lặng đến lạ kì, sự chuyển động có chăng là vài cái bóng nắng theo gió rượt đuổi nhau trên vách đá và mấy cánh cò trắng đi kiếm ăn, chốc chốc chúng lại khẽ rùng mình, xù lông vì tiếng cây rừng rì rào. Khi mặt trời về chiều sà xuống như đóm lửa tròn,  chúng tôi còn được ngắm nhìn những cô gái Tày mang nụ cười duyên mộc mạc, dáng gầy nhỏ bé in lên ánh hoàng hôn đỏ ruộm, mềm mại, trữ tình…

Từ hồ Ba Bể, tản bộ theo nhánh Pé Lầm, cách hồ độ 100m, chúng tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng ao Tiên nước xanh như ngọc. Ao Tiên với hồ Ba Bể không khác gì đứa con cưng. Hồ chia sẻ nước thông qua vô số mạch ngầm làm đầy lòng ao lại sẻ chia đám thủy sinh dồi dào biến ao Tiên trở thành nơi đa dạng sinh vật không kém hồ Ba Bể.

… Rời đất Bắc Kạn, vượt khoảng chừng 90 cây số, qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu chúng tôi đến thác Bản Giốc của tỉnh Cao Bằng. Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, giáp biên giới Việt – Trung. Từ nơi xa chúng tôi đã nghe được tiếng nước chảy và mơ hồ cảm nhận được cả những bọt nước trắng vỡ tung tóe. Thác cao 50m, rộng khoảng 250m. Từ trên cao những khối nước lớn đổ ầm ầm vào lớp đá vôi, nước va vào đá tạo thành mưa bụi, mưa bụi gặp dòng chuyển lưu không khí lại tan thành hơi sương mỏng manh, mát lạnh. …

Cách thác Bản Giốc khoảng 5 km, là động Ngườm Ngao với hàng trăm nhũ đá mang hình thù và kích thước đa dạng, có nhũ hình vỏ sò, to gấp ba gấp bốn hình người, có nhũ hình dáng mảnh dẻ tựa cô gái đứng vuốt tóc làm duyên. Tại đây chúng tôi được hướng dẫn đi từ cửa Ngườm Lồm và trở ra bằng cửa Ngườm Ngao, và qua đó chúng tôi đã được chiêm ngưỡng hầu hết những cảnh đẹp tuyệt vời trải khắp chiều sâu hang động.

Ngoài những kiến tạo thạch nhũ hư ảo đầy gợi tưởng đến hình người, hình cây rừng, các loài vật, nàng tiên nghiêng mình chải tóc, búp sen khổng lồ, cột chống trời, tiên ông, phật bà… Nét độc đáo nhất của động Ngườm Ngao chính là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những cảnh quan tuyệt diệu giữa chập chùng các thung lũng đá, núi đã  giúp cho động Ngườm Ngao cùng với thác Bản Giốc thu hút lòng người với những cảm xúc khó tả, khó quên…

Còn đây vẻ đẹp của hồn người...

...Ai đã đến, ai chưa đến đó
Có hòn núi Mác, suối Lê-nin
Hãy về thăm quê ta Pác Bó
Nơi Bác về, nguồn nước mới sinh ra...
                                   ( Tố Hữu)

Đó là vần thơ, cũng là lời mời gọi tha thiết mà các em học sinh từng đọc được qua trang thơ của nhà thơ Tố Hữu, và trong chuyến đi này, các em đã may mắn được “về thăm quê ta Pắc Pó”, thăm lại một vùng quê đã từng là “cái nôi” cách mạng của cả nước, và các em cùng chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người và vật cùng thiên nhiên cây cảnh của vùng đất nơi biên cương đã đi vào trang sử hào hùng của đất nước đang ngày một đổi mới, và hơn thế nữa là để thêm một lần “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.

Có thể nói, điểm nhấn của chương trình tour Đông Bắc năm nay chính là Khu di tích Pắc Pó (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, Pắc Pó là nơi có núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là điểm đầu (km 0) của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Pác Pó theo tiếng Tày - Nùng ở Cao Bằng có nghĩa là “đầu nguồn”. Pắc Pó cũng là nơi đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách Mạng  sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941 – 1945….

… Khi đến Pác Pó chúng tôi đã cảm nhận được không gian giản dị như chính con người Bác lúc sinh thời. Vẫn còn đó hang Cốc Pó với chiếc bàn đá chông chênh, vẫn còn đó tiếng suối reo róc rách, gió nhè nhẹ cứ như là Bác đang ra ngoài dạo chơi đâu đó và chốc lát đây thôi sẽ lại về ngồi bên chiếc bàn đá, ngẫm nghĩ chuyện nước nhà...  Tâm hồn đôn hậu, một đời hy sinh vì dân, vì nước của  Bác dường như đã thấm cả vào núi rừng Pác Pó, vào dòng suối Lê-Nin quanh năm nước  xanh êm ả, vào núi Các-Mác hùng vĩ  với những đá nâu trầm gắn chặt vào lòng đất cùng cây lá miên man…

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo mẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang…”

img

Xa nơi sử son lưu dấu, theo chân người hướng dẫn viên của Công ty Du Lịch Thế Hệ Trẻ tận tình, chu đáo và rất giàu kiến thức là anh Trần Thế Dũng, đoàn chúng tôi lại tìm vể “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng” –chùa Tam Thanh mang đậm giá trị văn hóa. Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) thuộc địa phận phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi, ngoài giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn được biết đến bởi những giá trị văn hóa vô giá. Trong động chùa còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử.

Từ núi trước của chùa Tam Thanh, chúng tôi tận mắt nhìn thấy Hòn Vọng Phu, nơi tọa lạc của bức tượng nàng Tô Thị nổi tiếng. Chỉ tiếc rằng, bức tượng đá tự nhiên đã bị thời gian ăn mòn làm sụp đổ, hiện chỉ còn tượng phục dựng. Dẫu vậy, hình ảnh người mẹ bồng con đứng đợi chồng vẫn mang giá trị tinh thần to lớn, đại diện không chỉ cho tình cảm vợ chồng son sắt, đức tính thủy chung của người phụ nữ vùng Đông Bắc nói riêng  mà còn cho phụ nữ Việt Nam nói chung…

Hôm chia tay, 4 em học sinh trong đoàn chúng tôi gồm: Vũ Ngọc Mai (Trường THPT Thực hành sư phạm), Tô Nhàn Nhã (Trường THPT Phú Nhuận), Trần Khánh Linh (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) và Nguyễn Khánh Quỳnh (Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu) đã âm thầm ghi nhận lại những cảm xúc của mình bằng một bài thơ chân thành, cảm động… Và tôi xin mượn bài thơ này để thay cho lời kết…

TÌNH CA ĐÔNG BẮC

Trăm trường nô nức gần xa

Về đây dự hội, chúng ta tranh tài

Non sông cất cánh ta bay

Mọi miền của đất nước nhà đẹp xinh

……………………

Vòng chung kết trọn tinh thần

Tuyệt vời mỗi đội thêm gần nhau hơn

Cùng thăm non nước hữu tình

Danh lam thắng cảnh quê mình đẹp thay

Cao Bằng, Bắc Cạn rất hay

Đèo Gió, Mã Phục mỗi ngày vượt qua

….

Nước non lên thác xuống ghềnh

Bản Giốc, Đầu Đẳng  thuỷ sinh

Khi về nhớ đất xin quỳ trao hôn

Bàn đá kia sớm hôm bên bờ suối 

Ta nhớ người Pác Bó năm xưa

Lê Nin, Các Mác, Bác Hồ ơi

Hoá thân sông núi nên hình hài quê

……..

Bay cùng non nước ta ơi

Hàng không đất Việt tình người bao la

Tình ca Đông Bắc ta mãi nhớ

Hà Nội ngày về chớ có quên...

(Đông Bắc ngày 26-30.11.2014)

img
 
img 
img