Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 595.000 tỷ đồng, tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước. Tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 605.000 tỷ đồng. Với tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 725.600 tỷ đồng, mức bội chi là 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP), thấp hơn mức 5,5% GDP mà Chính phủ dự kiến ban đầu và cao hơn mức yêu cầu dưới 5% GDP của nhiều đại biểu QH.
Việc tăng lương sẽ giúp người lao động ứng phó tốt hơn với tình hình giá cả đã và đang tăng cao |
Cũng từ ngày 1-5-2011, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công sẽ bằng tốc độ tăng lương tối thiểu, đồng thời thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10% và phụ cấp thâm niên ngành giáo dục. Liên quan việc huy động vốn trong toàn dân, Quốc hội thống nhất năm 2011 sẽ phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án công trình trong danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Theo Nghị quyết, việc chi ngân sách nhà nước phải triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là phải rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, tập trung bố trí vốn các công trình trọng điểm, cấp bách, cần hoàn thành trong năm 2011-2012, nhất là cho địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn. Quốc hội cũng nhất trí phương án nếu tổng thu ngân sách vượt dự toán thì được sử dụng ít nhất 30% phần tăng thu để làm giảm bội chi năm 2011.
Về nợ công quốc gia, Chính phủ phải xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Quốc hội cũng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ việc huy động vốn, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả khoản vay trong và ngoài nước.
>> Người tố cáo được bảo vệ - đó là chương mới trong dự thảo Luật Tố cáo được Chính phủ trình QH ngày 10-11. Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành ghi nhận một số nguyên tắc bảo vệ cho người tố cáo. Tuy nhiên, những quy định đó chưa được cụ thể và thiếu cơ chế tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, nhiều người không dám tố cáo hoặc tố cáo xong bị trả thù, trù dập mà người vi phạm không bị xử lý. Khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật Tố cáo đã bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo. Trong đó ghi nhận quyền được bảo vệ bí mật của người tố cáo; yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và việc làm; trách nhiệm và các biện pháp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là cơ quan công an trong việc bảo vệ người tố cáo; việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Linh An - Sỹ Lực