Sao ông chọn Hà Nam là nơi ứng cử chứ không phải là Bắc Ninh quê ông?
- Tôi là đại biểu ở T.Ư giới thiệu. Ứng cử ở Hà Nam vừa là phân công nhưng cũng vừa là nguyện vọng của cá nhân tôi. Hà Nam là vùng đất chiêm trũng mà tôi yêu thích, cũng là nơi có thể phát triển mạnh về ngành chăn nuôi.
Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phùng Đức Tiến |
Ông đã chuẩn bị “chương trình hành động” của mình nếu trúng cử ĐBQH như thế nào?
- Tôi sẽ tìm hiểu những vấn đề kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Nam để góp ý, đề xuất các giải pháp, trong đó đặc biệt là phát triển chăn nuôi và nông thôn mới, tham gia hoạt động của QH, bao gồm xây dựng, ban hành pháp luật; tham gia giám sát hoạt động của Chính phủ, địa phương và góp ý vào các vấn đề quan trọng của đất nước.
Điều quan trọng nữa là phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri để phản ánh với QH, giải đáp được những thắc mắc của cử tri. Là lãnh đạo Viện Chăn nuôi, tôi phải có trách nhiệm với ngành chăn nuôi VN, trong đó có chăn nuôi ở tỉnh Hà Nam.
Ông có thể phác thảo ý tưởng xây dựng ngành chăn nuôi?
- Ngành chăn nuôi phải hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Xu hướng thế giới cho thấy, chăn nuôi đang tập trung về những nước đang phát triển như nước ta. Để làm được, trước hết phải có quy hoạch chiến lược chăn nuôi theo vùng. Các vấn đề tiếp theo là giống, quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn, đảm bảo môi trường, hệ thống giết mổ, nguồn thức ăn, chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị…
Hiện ông đang là lãnh đạo của ngành nông nghiệp, nếu vào QH, ông có bị mất “lửa” khi phát biểu không?
- Tôi không ngại chuyện đó. Mình có trái tim, tâm lực cho sự phát triển chung nên không ngại. Tuy nhiên, có những lúc cần mềm dẻo, quan trọng là làm sao để đạt được mục tiêu. Tính tôi nói gì làm đến cùng! Nên nói là phải làm; không nên cứ phát biểu mãi. Cũng như nghiên cứu bây giờ phải có sản phẩm chứ không nên cứ nghiên cứu mãi.
Ông vừa là Giám đốc Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương với rất nhiều chi nhánh, lại là Phó Viện trưởng, nếu tham gia QH, ông bố trí thời gian làm việc thế nào?
- Mọi cái đều có giải pháp. Hiện nay, Viện chúng tôi có rất nhiều việc nhưng hầu hết các đề tài, dự án hoàn thành tốt, đời sống cán bộ công nhân viên đều khá. Năm nay, các chương trình dự án nhiều nhất từ trước đến nay, tôi nghĩ quan trọng là sự hợp tác giữa các cá nhân, bộ phận, phân công hợp lý và tôn trọng sáng tạo của từng người.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực – Lê Hân (thực hiện)