Dân Việt

Nơi ngập tràn hạnh phúc của hai “vầng trăng khuyết”

Thế Khôi (Dòng đời) 09/12/2014 14:14 GMT+7
Đó là tổ ấm của anh Trần Đình Trung (32 tuổi) bị khiếm thị và chị Lê Thị Hoài (28 tuổi) bị liệt cả hai chân ở thôn Đăk Hà, xã ĐăkBla, TP. Kon Tum. 
Từ nhỏ anh Trung vẫn bình thường nhưng đến năm học lớp 4, hai mắt bỗng dưng mờ dần rồi mù hẳn. Cú sốc lớn khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn, phải dừng học, anh dần rơi vào hố sâu của sự tự ti và mặc cảm. 
img Tổ ấm nhỏ chứa chan niềm vui và hạnh phúc.

Một lần người bạn đi công tác ghé thăm thấy tình cảnh của anh Trung nên đã mua tặng cho anh một cây đàn ghi ta và một chiếc đài radio. Từ đó, ngày ngày anh tập đánh đàn theo hướng dẫn của em gái Trần Thị Mai, đêm đêm lại ôm đài nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát chương trình “Khát vọng sống” dành cho người khuyết tật. 

Một đêm tháng 8.2008, anh Trung lặng người khi nghe cô gái Lê Thị Hoài ở Hải Nam, Hải Hậu, Nam Định tâm sự, rằng dù hai chân bị liệt nhưng vẫn muốn sống ý nghĩa cho đời, muốn làm quen và kết bạn bốn phương. 

Qua lời tâm sự của chị Hoài, anh Trung bấm gọi làm quen. Sau những lần trò chuyện, sẻ chia vui buồn, hai tâm hồn đã đồng điệu  với nhau. Anh Trung thổ lộ: “Mới đầu mình hay gọi điện, nhưng khi quen rồi thì nhắn tin là chủ yếu, ngày nào không liên lạc là chịu không nổi”. 

Từ sự thông cảm, thấu hiểu, hai con tim từ hai miền dần đập chung một nhịp. Tháng 11.2008, với tình cảm chân thành, anh Trung mạnh dạn tỏ lời yêu với chị Hoài. 

Dù gia đình ra sức ngăn cản anh Trung vẫn tìm mọi cách để thuyết phục, kể cả tuyệt thực hòng có được tình yêu của mình. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, trước sự quyết tâm của anh Trung, mẹ anh đành phải dẫn anh ra tận Nam Định để gặp chị Hoài. Nhưng trớ trêu thay, khi gặp anh Trung, gia đình chị Hoài cũng chảy nước mắt… không chấp nhận. 

Quyết tâm bảo vệ tình yêu đến cùng, anh Trung và chị Hoài đồng lòng vượt qua rào cản từ phía hai bên gia đình. Tháng 6.2009, nghe tin đoàn hát của người khuyết tật đi biểu diễn ở Nam Định, anh Trung xin bố đưa đi theo đoàn hát. “ Thương con tôi chiều theo ý chứ đâu có biết nó làm chuyện tày đình như vậy” - ông Thức chia sẻ.

Ra đến Nam Định được vài hôm thì anh Trung bỏ đoàn, hẹn chị Hoài rồi cả hai cùng bỏ trốn lên Hà Nội. Khoảng một tuần sau, ông Thức thấy anh Trung dắt chị Hoài vào nhà: “Lúc đấy thì… cưới thôi” - ông Thức cười. 

Hôm chúng tôi đến vợ chồng chị Hoài - anh Trung vừa đón bé Thương từ trường mầm non trở về. Bé Thương kháu khỉnh và rất hoạt bát, nhìn thấy chúng tôi, cô bé đã vòng tay nhanh nhảu chào hỏi. 

Không giấu được niềm vui, gương mặt chị Hoài rạng ngời: “Bé mới 4 tuổi mà lém lỉnh lắm chị ạ, do chị lạ chứ quen rồi là cháu mến lắm, cháu đọc thơ, hát và múa rất giỏi, vợ chồng tôi đang cố gắng làm để cháu được sống đầy đủ, được đến trường như bao bạn khác”.

Có thêm thành viên mới, nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền lại thêm nặng trĩu. Hai vợ chồng bàn tính đi bán vé số để mưu sinh. Hằng ngày mặt trời vừa ló rạng đông, chị Hoài ngồi lên xe lăn, anh Trung cứ đẩy xe đi theo sự hướng dẫn của vợ, rong ruổi hết đường này hẻm nọ để bán vé số. 

Sau những giờ bán vé số, trở về với tổ ấm nhỏ anh chị dành trọn tình yêu thương, chăm sóc dạy dỗ bé Thương nên người. Nhường nhịn nhau qua từng câu nói, từng hành động, thấu hiểu và chia sẻ với nhau những lúc vui buồn, căn nhà nhỏ của “đôi vầng trăng khuyết” lúc nào cũng đầm ấm, ngập tràn tình yêu và hạnh phúc. 

Trong ánh mắt xa xăm, chị Hoài chia sẻ ước mơ lớn nhất bây giờ của chị là có thể gom đủ tiền để xây được nhà vệ sinh trong nhà, những lúc mưa gió không phải lo trượt ngã vì phải đi vệ sinh bên ngoài.