“Mẹ ơi, con còn sống được bao lâu nữa?”
Cứ tới rằm Trung thu, tết Nguyên đán là tôi là nhận được email của Phạm Thị Hiền - Trưởng nhóm Vì Ngày mai tươi sáng tỉnh Bắc Ninh mời tham gia quyên góp từ thiện để cô có thể mua quà bánh tặng những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi H (cha mẹ, người nuôi dưỡng nhiễm HIV hoặc bản thân bé cũng nhiễm HIV). Sự lặng lẽ, kiên trì của cô trong suốt bao nhiêu năm làm công việc này khiến khó ai có thể chối từ. Cô khiến tôi tò mò và khi ngỏ lời mời trò chuyện, Hiền nhận lời không chút ngại ngần.
Từ đó, cuộc đời vợ chồng Hiền là những tháng ngày xuống dốc không phanh, cả nhà lao vào lô đề cờ bạc. Chồng chơi, Hiền cũng chơi mạnh không kém vì nghĩ chết là hết, ăn chơi hết tiền thì chết cũng có sao đâu. Có ngày hai vợ chồng “đốt” tới 100-200 triệu đồng tiền lô đề rồi vỡ nợ. Hiền bùi ngùi: “Lúc đó, nỗi khổ của em chỉ là hết tiền mà chưa chết cho, trong túi không còn nghìn đồng nào. Thế là 2 vợ chồng lại đi làm thuê, ngày kiếm vài chục bạc nuôi con”.
Cuộc đời lao vào bế tắc, tiền bạc hết, con thì ốm đau liên miên. Hàng xóm láng giềng ghẻ lạnh vì nhà có “mả AIDS”, bố mẹ chồng Hiền từng tuyệt vọng chửi thẳng vào mặt vợ chồng cô: “Chúng mày chết hết đi, chồng chết thì vợ chôn, chúng mày chết chúng tao chôn”. Hiền kể, giọng nghẹn ngào đau đớn: “Những lời chửi bới với em không đau bằng câu hỏi mà con em thường xuyên hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con sống được bao lâu nữa hở mẹ?”, “Mẹ ơi, con sắp chết chưa?”. Em vừa khóc vừa trả lời con: “Con đừng lo về cái chết, con có thể sống ít nhưng con rất ngoan. Đừng như bố mẹ, con nhé”.
Lao vào ngăn cản đám cưới vì chú rể có HIV
Trong một lần ôm con đi Viện Nhi Trung ương cấp cứu, Hiền biết thông tin về nhóm Vì ngày mai tươi sáng của Hà Nội. Người mẹ trẻ tuyệt vọng này được gặp những người cũng hoàn cảnh động viên nhau tìm đến thử tham gia nhóm. Tháng 8.2005, vợ chồng Hiền và một vài người bạn nữa xúc tiến thành lập nhóm Vì ngày mai tươi sáng ở Bắc Ninh.
“Lúc đó em mang bầu cháu thứ 2 nên không tham gia hoạt động được nhiều. Vợ chồng đã xác định lúc nào vợ chồng em chết thì nhờ ông bà ngoại, cậu mợ lo giúp mấy đứa trẻ! Nhưng có lẽ do điều trị dự phòng từ mẹ sang con sớm nên cháu thứ hai may mắn thoát H”- Hiền kể khi cười trong nước mắt.
“Cái mặt em bây giờ thành mặt dày rồi, vì bị chửi nhiều quá. Người đời chửi cũng nhiều mà những người có H chửi khi em đi vận động cũng lắm”- Hiền nói mà vẫn cười tươi. Người chửi Hiền nhiều nhất là một ông chồng có H mà không chịu “phòng bị” cho vợ mình. Với kinh nghiệm của mình, nếu không điều trị dự phòng người mẹ và đứa trẻ vô tội ấy rất có thể nhiễm H, Hiền lăn xả tới vận động, nói chuyện, thuyết phục ông chồng này đưa vợ đi xét nghiệm. Nhưng lần nào đến Hiền cũng bị ông ta đuổi, thậm chí còn bị chửi: “Con chó, mày đừng có vào nhà tao”. Lừa lúc người chồng đi vắng, Hiền kiên nhẫn vào vận động người vợ đi xét nghiệm và uống thuốc dự phòng, hướng dẫn sử dụng bao cao su để có quan hệ tình dục an toàn. Kết quả thật lạc quan: Đứa bé không hề bị nhiễm HIV và anh chồng đã trở thành thành viên của nhóm.
Hiền cũng đã từng xông vào cản một … đám cưới. Chú rể có H, còn cô dâu thì không hề biết điều đó. Nhiều người khuyên Hiền: “Cản làm gì, nó thích chết thì cho chết”. Nhưng Hiền bảo, không ích kỷ như vậy được. Đám cưới ấy tan, ít lâu sau cô gái lấy người khác, có con cái, còn chú rể hụt giờ mộ đã xanh cỏ.
Nói về hoạt động của mình và nhóm, Hiền cho biết cô luôn tâm niệm, để nhóm hoạt động tốt thì phải thực sự mang lại quyền lợi cho các thành viên. “Không phải nói suông đâu chị ạ, người ta vào nhóm cũng mong được hỗ trợ: Được uống thuốc kháng ARV miễn phí, được hướng dẫn phòng từ mẹ sang con. Chúng em có liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và đôi khi có biết Chương trình của PEPPAR bởi họ có hỗ trợ thuốc chống nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm tự nguyện và bao cao su. Điều đó thực sự có ích đối với rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV ở nông thôn vì họ rất nghèo!”, Hiền giải thích.
Tôi đã cùng Hiền tới phố Giảng Võ (Hà Nội), nơi Hiền đang làm việc với tư cách tư vấn viên ở phòng Trợ giúp pháp lý, tuyên truyền Luật phòng chống HIV/AIDS (mỗi tuần làm 1 buổi, hoàn toàn tự nguyện). Trên chiếc bảng phân công công việc dày đặc các hoạt động thiện nguyện. Nhờ có kiến thức vững về Luật phòng chống HIV/AIDS, Hiền đã đấu tranh cho 5 trẻ nhiễm HIV- là con em các thành viên trong nhóm - được đi học hoà nhập cộng đồng. “Em tới các trường, thuyết phục mỏi mồm với ban giám hiệu và các cô giáo rằng việc đi học của các cháu là quyền lợi hợp pháp, được quy định trong Luật hẳn hoi. Chưa có Luật thì em photo đưa cho họ và xin nửa tiếng gặp phụ huynh trước giờ đón con để tuyên truyền cho họ hiểu”- Hiền thổ lộ.
Giờ thì Hiền tạm dừng hoạt động này bởi cô lại được làm mẹ và có thêm 2 bé gái xinh xắn, “không có H”. Với cô, đó là sự viên mãn và là “món quà trời ban” để giúp cô có thêm động lực bước tiếp con đường mình đã chọn.