Chiều 2.12, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch hạch, GS-TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo ngại dịch hạch có thể vào Việt Nam qua đường tàu biển. Theo tài liệu trước đây, từ những năm đầu thế kỷ 19, Việt Nam là nước từng lưu hành dịch hạch, với số ca mắc tương đối lớn. Đến tận năm 2002, Việt Nam mới hết bệnh nhân bị bệnh dịch hạch. Ca bệnh dịch hạch đầu tiên được ghi nhận ở nước ta là do tàu, thuyền từ Hồng Kông mang chuột có bệnh xâm nhập vào. Trong khi đó, Việt Nam lại có đường biển kéo dài, lưu thông hàng hải rất đông đúc nên nguy cơ bệnh dịch hạch vào Việt Nam theo đường hàng hải là rất lớn.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện Madagascar có hơn 100 người mắc bệnh dịch hạch, trong đó 50 người đã tử vong (2% là bệnh dịch hạch thể phổi), trong khi đó Mỹ phát hiện 4 bệnh nhân và Trung Quốc ghi nhận 1 trường hợp tử vong vào tháng 7 vừa qua.
“Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Đường lây truyền chủ yếu là qua bọ chét bị bệnh cư trú trên chuột, sau đó có thể chuyển sang đốt người. Tuy nhiên, người mắc bệnh dịch hạch hoặc vừa khỏi bệnh cũng có thể là nguồn bệnh, đặc biệt là dịch hạch thể phổi, có khả năng lây qua đường hô hấp – có khả năng lây truyền từ người qua người, rất nguy hiểm” – TS Phu cho biết.
Để đối phó với bệnh dịch hạch, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh.