Ông nói với BBC: "Việc phát triển đầy đủ trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn tới sự chấm dứt loài người."
Tuy nhiên, những người khác tỏ ra ít bi quan hơn về tương lai của trí thông minh nhân tạo.
Nhà vật lý lý thuyết, người mắc bệnh về thần kinh vận động cơ và xơ cứng teo cơ (ALS), đang sử dụng một hệ thống mới do Intel phát triển để nói chuyện với mọi người.
Công nghệ của hãng, vốn đã được dùng dưới dạng app về bàn phím cho điện thoại thông minh, được áp dụng để tìm hiểu xem vị giáo sư nghĩ gì và gợi ý những từ ngữ ông có thể muốn dùng tiếp.
Giáo sư Hawking nói các hình thức nguyên thủy của trí thông minh nhân tạo đã được phát triển tới mức được đưa vào sử dụng hiệu quả, nhưng ông lo sợ rằng rồi con người sẽ tạo ra được những thứ có thể tư duy tương đương, thậm chí vượt trội hơn con người.
"Nó sẽ tự phát triển tiếp, và tự tái thiết kế ở tốc độ nhanh chóng hơn," ông nói.
"Con người, vốn bị giới hạn bởi sự tiến hóa sinh học chậm, sẽ không thể cạnh tranh được và sẽ bị qua mặt."
Những người khác tỏ ra ít bi quan hơn.
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ vẫn làm chủ công nghệ trong một thời gian dài và chuyện công nghệ sẽ có khả năng giải quyết nhiều vấn đề của thế giới sẽ được hiện thực hóa," Rollo Carpenter, người sáng chế ra robot thông minh Cleverbot nói.
Phần mềm cài trong Cleverbot học hỏi từ các đoạn trao đổi của robot trước đó, và đã ghi điểm cao trong phép thử Turing kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính và khiến nhiều người tin rằng họ đang nói chuyện với người thật.