Chân thực và quý hiếm
Trưng bày “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20” qua tư liệu ảnh được khai mạc vào chiều ngày 3.12 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Rất nhiều các nhà nghiên cứu, nhà sử học và đông đảo công chúng đã có mặt tại sự kiện này để lần đầu tiên được thưởng thức bộ ảnh độc đáo mà các nhà nghiên cứu người Pháp đã sở hữu và lưu giữ suốt hơn 1 thế kỷ qua.
Cuộc trưng bày lần này được thể hiện với gần 60 bức ảnh độc đáo được lựa chọn từ kho lưu trữ của EFEO. Toàn bộ những bức ảnh này do chính các học giả, nhiếp ảnh gia của EFEO thực hiện bằng phương pháp cổ điển, chụp trên phim kính tráng bromua bạc, phim âm bản trên các máy khổ lớn và máy ảnh khổ trung. Các bức ảnh trưng bày tại Hà Nội lần này đã được xử lý số hóa và phục hồi hình ảnh với 4 mảng nội dung gồm: Khảo cổ học, Xây dựng các bảo tàng, Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 và Lễ tế đàn Nam Giao.
Để làm phong phú thêm, phòng trưng bày còn sử dụng gần 50 hiện vật tiêu biểu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được thể hiện thành 2 nhóm: Nhóm hiện vật là các dụng cụ tác nghiệp của các học giả EFEO đã sử dụng trước đây và nhóm hiện vật là những tác phẩm, công trình nghiên cứu; những hiện vật tiêu biểu tìm thấy ở các di tích thuộc các nền văn hóa: Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa mà EFEO phát hiện ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Trước đây, cuộc trưng bày ảnh “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20” qua tư liệu ảnh của EFEO đã được giới thiệu trong trưng bày mang tên "Objective Vietnam" tại Bảo tàng Cernuschi, Paris (Pháp) từ ngày 14.3 – 9.6.2014 và gây được tiếng vang. Những tác phẩm nhiếp ảnh đã ghi lại một cách trung thực nhất hình ảnh của Việt Nam đầu thế kỷ 20 với đầy đủ các lĩnh vực trong đời sống. Các lễ hội dân gian, những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường như Tết Trung thu, cảnh sinh hoạt ở phố Hà Nội. Đây là phần có số lượng ảnh chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong trưng bày và ảnh thuộc đề tài này cũng chiếm số lượng nhiều, quan trọng nhất trong kho tư liệu ảnh của EFEO… Cuộc trưng bày chắc chắn sẽ rất thú vị cho các nhà nghiên cứu cũng như công chúng để giúp họ hình dung về cuộc sống của các thế hệ người Việt cách đây 1 thế kỷ”.
Nhiều giá trị với đương thời
Nếu xét riêng về góc độ khảo cổ, số ảnh tư liệu được trưng bày tại triển lãm trong mảng nội dung “Khảo cổ học” thực sự rất giá trị với các chuyên gia trong lĩnh vực này. Các bức ảnh do các học giả người Pháp ghi lại quá trình khai quật khảo cổ học, trùng tu di tích của các học giả EFEO ở Việt Nam. Điểm nhấn là những phát hiện quan trọng về khảo cổ học thuộc văn hóa Chămpa và văn hóa Óc Eo. Một bức ảnh ghi lại hình ảnh về Phật viện Đồng Dương tại Quảng Nam- công trình đến nay không còn dấu vết do đã bị xóa sạch. Tuy nhiên, thông qua các bức ảnh, người xem vẫn có thể hình dung ra được các cụm tháp ở đây, bên cạnh đó, còn có bức ảnh chụp tượng thần Kim Cương có niên đại từ thế kỷ thứ IX, X đặt ngay trước cửa Phật viện. Có bức ảnh ghi lại một nhóm thợ đang đứng làm công việc trùng tu trên tháp Mỹ Sơn với các công cụ thô sơ.
Ngoài ra còn có mảng tư liệu ảnh về các bảo tàng mà EFEO đã xây dựng ở Đông Dương, từ khi thành lập đến khi rời khỏi Đông Dương, EFEO đã xây dựng 8 bảo tàng, trong đó có 5 bảo tàng ở Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay cũng là 1 trong 5 công trình được EFEO xây dựng từ thời đó.