Mở đầu phiên tiếp xúc, nắm bắt được nguyện vọng của cử tri về vấn đề xây sân bay Long Thành, ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM - đã chủ động cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra bàn thảo sâu vào kỳ tới. Theo ông, dù có đồng ý xây hay không xây sân bay này đi chăng nữa, thì quyết định nào của Quốc hội cũng phải làm cho người dân tâm phục, khẩu phục.
“Ngành giao thông vận tải là ngành có lượng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay. Đây toàn là tiền đi vay và cũng có khá nhiều công trình gây lãng phí” - ông Lịch cho biết thêm. Ông đưa ra dẫn chứng, theo báo cáo của chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chỉ với 4 công trình tầm quốc gia thôi, khi được sửa lại thiết kế, dự toán, đơn giản hóa các thứ… thì đã giảm xuống được 35.000 tỷ đồng, mà chất lượng công trình vẫn bảo đảm. Quả là một con số khủng khiếp. Đây là hậu quả của tình trạng nâng giá các công trình đầu tư công.
Theo cử tri Vũ Trọng Quý (ngụ P.7, Q.3), còn có hàng trăm vụ việc như vụ ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ mà chưa được đưa ra ánh sáng. Phải làm cho người dân thấy được quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng.
“Hằng ngày đọc báo tôi thấy tham nhũng đúng là vấn nạn của chúng ta. Cần chung sức, chung lòng tiêu diệt quốc nạn này vì sự an nguy của đất nước, của cuộc sống nhân dân. Người dân chúng tôi cũng hết sức đau lòng” - một cử tri khác “khẩn cầu”. Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi người dân tăng cường giám sát mạnh hơn, nên trình báo chi tiết các vụ thiếu minh bạch, tiêu cực, tham nhũng. Cử tri cứ đưa lên báo các vụ việc cụ thể. Nhân đây, ông Sang cũng kêu gọi các cơ quan dân cử, người dân tập trung giám sát việc thực hiện chủ trương cho người nước ngoài mua nhà vừa được Quốc hội thông qua. Bởi không phải người nước ngoài nào cũng được mua nhà ở Việt Nam nếu không thỏa mãn các điều kiện theo luật định.
Riêng vụ việc liên quan đến ông Truyền, ông Sang cho biết, Trung ương đang rà soát lại, truy cứu trách nhiệm các cấp ở các địa phương đã cấp nhà cho ông Truyền.
Về tham nhũng, Chủ tịch nước khẳng định Quốc hội không cả nể trong giám sát đấu tranh chống tham nhũng. Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương 4 cấp. “Đừng nhân nhượng nữa với tham nhũng nhưng phải trên cơ sở đúng quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước. Lòng dân vẫn chưa yên, nên phải ra tay đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cần chỉ ra được ưu khuyết điểm gì trong công tác này” - Chủ tịch nước nói.