Ngày nay, Internet phát triển, tin đồn không còn ở cửa miệng ngoài chợ mà đàng hoàng nhảy lên NET. Tuy cuối cùng vẫn có thể tìm ra địa chỉ các trang mạng hay blog, nhưng những kẻ vô trách nhiệm chừng như đã nhờn và để câu khách, người ta vẫn thản nhiên loan “tin đồn” như thật. Buồn thay, trong đó có những trang mạng tên tuổi.
Như tháng Tư vừa qua, “một số trang web đưa thông tin ở Tiền Giang rộ tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị ung thư! Sau các tin đồn ăn sầu riêng, ăn bưởi, ăn cá kèo bị ung thư, đến lượt cá rô đầu vuông bị bôi xấu” (theo Báo điện tử Dân Việt của NTNN).
Cũng thời gian này, khi nghe hơi nồi chõ trên NET bên Trung Quốc xuất hiện những loại thực phẩm, phụ gia lạ như trứng gà giả, mực khô làm từ cao su, gạo nilon, hóa chất biến thịt heo thành thịt bò, một số trang mạng “vô trách nhiệm vô hạn” của ta không kiểm tra thông tin, thị trường, vội đưa tin như thật, như là những thứ đó đang tác oai tác phách trong chợ Việt Nam. Thực hư bên Trung Quốc chưa biết mô tê, nhưng qua kiểm tra, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, đến nay họ chưa phát hiện những thứ của lạ như vậy ở xứ ta.
Tin nhảm về bưởi gây ung thư một thời gian làm khốn đốn dân trồng bưởi ở Tiền Giang và cả miền Tây Nam Bộ. Ăn cá rô đầu vuông bị ung thư tưởng là chuyện của “những người thích đùa” nhưng làm nông dân nuôi cá rô mấy tỉnh miền Tây méo mặt một thời gian, tuy ngắn nhưng cũng đủ đau đớn trước nguy cơ phá sản khi giá bán có lúc thấp hơn cả giá thành. Chuyện nhảm nhí đã trở thành nguy hiểm chết người!
Tin nhảm nhí trên đầu lưỡi quả là “vạn mã nan truy”. Nhưng nếu xuất hiện trên blog hay các trang mạng thì dù mất công mất tiền cũng cần truy nã bằng được kẻ gieo họa. Người nông dân một sương hai nắng không thích đùa với mồ hôi nước mắt của mình. Ngăn chặn, trừng phạt kẻ gieo rắc tin nhảm nhí chết người là bảo vệ họ, cũng là bảo vệ sự an toàn, bình ổn của toàn xã hội và đó là trách nhiệm khẩn thiết của tất cả chúng ta!
Sông Thao