Dân Việt

Thiếu dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bom mìn

Minh Nguyệt 05/12/2014 07:07 GMT+7
 Việt Nam còn hơn 800 nghìn tấn bom mìn chưa phá hết, hơn 40 nghìn người bị chết, hơn 60 nghìn người khác bị thương vì bom mìn. Tuy nhiên, đến nay chính sách hỗ trợ còn ít, chỉ số ít nạn nhân bom mìn (NNBM) được hỗ trợ toàn diện để hòa nhập cộng đồng. 

Gói hỗ trợ chưa toàn diện

Nạn nhân Trần Văn Cường (65 tuổi ở Quảng Trị) từng bị tai nạn cụt chân. Trong lần đi cuốc đất ông lỡ tay cuốc trúng quả mìn. Tai nạn xảy ra cách đây hơn 20 năm nhưng đến giờ nỗi sợ hãi vẫn còn ám ảnh trên gương mặt ông.

img

Ông Trần Văn Cường là nhân vật trong một triển lãm ảnh mới đây của học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.      


Ông Cường nhớ lại: “Lần ấy, hai vợ chồng đi làm đồng, tôi cuốc phải quả mìn. Mìn nổ, hai vợ chồng được hàng xóm đưa đi cấp cứu nhưng vì nhà xa trạm xá nên lúc tới nơi thì chân tôi không thể cứu vãn, phải cắt cụt, còn vợ thì hỏng mắt”. Cuộc sống sau đó của vợ chồng ông rất khó khăn. Nhà có tới 7 khẩu (4 đứa con và mẹ già) nhưng chỉ trông vào 2 sào ruộng. Sau này ông được địa phương rà soát đưa vào đối tượng người khuyết tật (NKT), mỗi tháng được gần 200 nghìn đồng trợ cấp.

“Tâm nguyện của vợ chồng tôi là được Nhà nước hỗ trợ cho đi học nghề, vay vốn để về làm trang trại. Ở đây bà con cũng đang có phong trào trồng tiêu xuất khẩu nhưng vì thiếu vốn nên vợ chồng tôi không làm được” – ông Cường trăn trở.

Theo ông Hoàng Văn Phong – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 83% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và 7.075 nạn nhân. “Nguyên nhân dẫn tới tai nạn chủ yếu là do bà con lao động sản xuất gặp phải bom mìn, người buôn bán phế liệu là bom mình và trẻ hiếu động, lấy vật liệu bom mìn làm đồ chơi”- ông Phong nói.

 

Cũng theo ông Phong, hầu hết NNBM đều được xếp vào diện NKT và có tiền trợ cấp hàng tháng. NKT nặng không còn người thân sẽ được nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chính sách bảo trợ, chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện đối với người bị ảnh hưởng của bom mìn.

Chính vì thế, nhìn nhận vấn đề này, ông Beat Schweizer – Trưởng đại diện khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho rằng: “Việc hỗ trợ NNBM cần một gói tổng thể. Cụ thể, cần hỗ trợ y tế; tâm lý; hỗ trợ nạn nhân về vốn, dịch vụ; tạo việc làm… Giúp họ có thể hoà nhập xã hội. Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố trên thì việc hỗ trợ hòa nhập không còn tác dụng”.

Chưa có thông tin chính xác số nạn nhân

Ông Tô Đức - Cục phó Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việt Nam có khoảng 6,7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó có nhiều NKT do hậu quả của bom mìn.

Quan điểm

Ông Hoàng Văn Phong • DPhó Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Trịanh xưng
 Quảng Trị đang xây dựng mô hình trồng tiêu xuất khẩu để hỗ trợ NNBM tham gia sản xuất. Đến tháng 11.2014, các đơn vị đã xuất khẩu thành công 500kg tiêu qua Mỹ để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, các nạn nhân gặp phải khó khăn là thiếu vốn để tổ chức sản xuất”. 
Trong việc hỗ trợ NNBM, ông Đức thừa nhận thực tế việc triển khai ở Việt Nam còn nhiều khó khăn: “Việt Nam chưa có cuộc khảo sát nhằm đánh giá chính xác số nạn nhân bị thương và chết vì bom mìn sau chiến tranh, lập danh sách các nạn nhân, đánh giá nhu cầu của nạn nhân; xác định nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, thiếu đội ngũ nhân viên và cộng tác viên trong hỗ trợ nạn nhân…”.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn thiếu các yếu tố mang tính kỹ thuật như các hoạt động công tác xã hội, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng. Chưa có đánh giá và nhân rộng các mô hình hỗ trợ NNBM hòa nhập xã hội và tạo việc làm bền vững… “Chừng nào nắm bắt được chính xác số NNBM cũng như nhu cầu của họ thì mới có thể có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả” – ông Tô Đức khẳng định.

 

Trước đó, trong một cuộc tọa đàm về quan hệ đối tác trong việc hỗ trợ các NNBM chiều 3.12 tại Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Soát – Chủ tịch Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam cho biết: “Hội vừa có chuyến khảo sát NNBM tại 10 tỉnh thành trong cả nước. Kết quả cho thấy đa phần nạn nhân đều là những người trong hộ gia đình nghèo, ở vùng nông thôn khó khăn. Nhiều gia đình dù có cha mẹ bị thương do bom mìn nhưng con cái vẫn phải đi bòn mót bom mìn để bán sắt vụn kiếm sống vì không biết làm công việc gì khác”. Cũng theo ông Soát, các cơ quan chức năng luôn nói đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nạn nhân nhưng chưa có một cuộc khảo sát chính thức về số nạn nhân nên rất khó cho hoạt động hỗ trợ.