Vì sao cát tặc lộng hành trong một thời gian dài mà không bị triệt phá? Vì sao những tố giác của cả lãnh đạo xã lẫn người dân chìm vào quên lãng? Có thể chưa trả lời ngay được các câu hỏi này nhưng qua vụ việc có thể thấy niềm tin của những người dân vào chính quyền đã bị xói mòn cùng những vùng đất ven sông.
Bài 1: Bỏ lơ kiến nghị, tố giác của dân
Không ngoa khi nhận định rằng những đối tượng cầm đầu hoạt động khai thác cát trái phép tại các xã Vân Phúc, Xuân Phú, Vân Nam (đều thuộc huyện Phúc Thọ) đã tạo dựng một "vương quốc hùng mạnh" tới mức có thể thỏa sức lộng hành một thời gian dài mà không bị pháp luật sờ gáy. Những ngày cuối năm, có mặt tại đây, phóng viên NTNN vẫn nhận thấy, cát tặc đã bị triệt phá nhưng những “dư chấn” của chúng thì vẫn còn kéo dài cho người dân vùng đất nơi đây.
Nhộn nhịp về đêm chính là cát tặc
Theo phản ánh của người dân địa phương, trong khoảng 5 - 7 năm nay, hoạt động khai thác cát trái phép mới diễn ra rầm rộ. Gọi là trái phép nhưng thực chất hoạt động của nhóm khai thác cát tặc do Toàn cụt (Vũ Anh Toàn, SN 1973, quê ở Phúc Thọ, hiện trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu này diễn ra rất rầm rộ. Trên đoạn sông Hồng chảy qua các xã của địa bàn huyện Phúc Thọ dài chưa đầy 5 - 7km nhưng thường xuyên có tới vài chục tàu hút cát và vận chuyển cát hoạt động tấp nập.
"Vài năm trước, các tàu này hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây thì họ hoạt động đêm là chính. Từ khoảng 1 giờ sáng là cả một khúc sông cứ huyên náo. Nhà tôi sát ngay bờ đê, cách sông chưa đầy 100m nên ngày nào cũng được nghe cái thứ âm thanh kinh khủng ấy" - ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú cho biết.
Dẫn chúng tôi ra bờ sông, ông Nguyễn Văn Bích- Trưởng thôn Xuân Trù (xã Xuân Phú) chỉ vào bờ kè bằng đá trên bờ sông và nói: “Bờ kè này được làm từ năm 1998, lúc mới làm kiên cố lắm! Bờ kè thoai thoải, vững chãi nên mùa nước cạn người dân thường mang chiếu ra đây nằm hóng mát. Tuy nhiên, từ 5 - 7 năm trở lại đây, khi hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ thì cũng là lúc bờ kè này sụt lún liên hồi, năm nào cũng phải đổ hàng trăm khối đá xuống để gia cố nhưng chẳng ăn thua. Giờ thì bờ kè lởm chởm, dựng đứng, chẳng ai dám ra đây nữa vì sụt lún có thể xảy ra bất kỳ lúc nào".
"Ngày trước, có đi mỏi chân cũng không hết đất bồi bãi. Tuy nhiên, vì khai thác cát trái phép mà bồi bãi cứ dần sụt lở và biến mất. Có dạo, có hộ dân vừa được chia ruộng đất hôm trước tại bãi bồi thì hôm mảnh đất đó đã sụt lở không còn chút dấu tích nào. Lại có lần, sụt lở mất cả ruộng cà chua của dân"- ông Nguyễn Văn Mạnh- Bí thư xã Xuân Phú nói thêm.
"Trong vài năm nay, đất bãi bồi do UBND xã quản lý đã mất tới 7ha rồi anh ạ! Tất cả đều tại sụt lún. Phần vì dòng chảy nhưng cái chính là vì hoạt động khai thác cát trái phép nên dẫn tới hiện trạng trên"- ông Đặng Văn Kiều - Chủ tịch UBND xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ cho hay.
Lãnh đạo xã cũng bị cát tặc cảnh cáo
Cũng theo những vị lãnh đạo các xã Vân Phúc, Xuân Phú và Vân Nam mà phóng viên tiếp xúc thì bản thân các vị này cũng vô cùng bức xúc trước sự lộng hành của cát tặc. Tuy nhiên, trong quyền hạn của mình, họ chỉ có thể “kêu” tới lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ.
“Có một đôi lần tôi có ra can ngăn các hành động vi phạm của nhóm người cầm đầu khai thác cát. Tuy nhiên, nó nói thẳng với tôi là khôn hồn thì để cho nó làm ăn chứ cỡ như tôi thì cũng chẳng làm gì được nó. Không cẩn thận, nó cho tôi không còn quần… lót mà mặc” - ông Đặng Văn Kiều - Chủ tịch UBND xã Vân Phúc nói.
Cũng theo ông Kiều, không chỉ ông mà nhiều lãnh đạo địa phương khác cũng bị các đối tượng này chỉ thẳng vào mặt mà đe dọa. Và đương nhiên, xã Vân Phúc cũng chằng còn cách nào khác ngoài “lối mòn” kiến nghị lên UBND huyện Phúc Thọ. Đương nhiên, hiệu quả của việc kiến nghị, báo cáo trên cũng chỉ như muối bỏ bể.
“Vài năm nay rồi, cứ tiếp xúc cử tri và họp Hội đồng nhân dân các cấp là dân 3 xã ven sông chúng tôi đều chỉ tập trung kiến nghị về việc dẹp bỏ nạn cát tặc. Tuy nhiên, kêu riết mà không có kết quả rồi cũng chán.” - ông Nguyễn Văn Bích - Trưởng thôn Xuân Trù, xã Xuân Phú cho hay.
Và khi mọi thứ tưởng như bế tắc thì niềm u uất bấy lâu nay của người dân các xã ven sông của huyện Phúc Thọ bất ngờ được giải tỏa. Từ đơn thư phản ánh của người dân, Bộ Công an đã lập chuyên án để triệt phá băng nhóm khai thác cát tặc Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát về quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội lập chuyên án đấu tranh triệt phá.
Đúng 3 giờ ngày 8.11.2014, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự Bộ Công an với 200 cán bộ chiến sĩ bất ngờ tấn công vào địa bàn khúc sông Hồng chảy qua Phúc Thọ, kịp thời bắt giữ 51 tàu trong đó có 21 tàu hút, 30 tàu chuyên chở cùng 30 đối tượng đang hoạt động, trong đó mới bắt được 3 đối tượng bảo kê cùng nhiều sổ sách khai thác cát, vận chuyển buôn bán và nhiều hung khí. Chỉ riêng khu vực sông Hồng chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ, cơ quan điều tra ước tính sơ bộ, mỗi ngày bọn cát tặc khai thác 2.000m3 cát dưới đáy sông, trị giá 1 tỷ đồng.