Ông Trương Công Phúc – Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung cho biết, xã có diện tích tự nhiên 380ha gồm 6 thôn, 1.775 hộ, 8.011 khẩu. Khi mới chia tách, Điện Thắng Trung có cơ sở hạ tầng hạn chế, trụ sở làm việc, đường, trường học, trạm y tế… tạm bợ và thiếu thốn. Tuy nhiên, gần 10 năm xây dựng và phát triển, Điện Thắng Trung đã chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
“Việc hình thành cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 đã tạo sức lan tỏa cho các vùng lân cận và là điều kiện để địa phương phát triển nhanh chóng, góp phần tích cực trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp (CN), chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Nhờ đó, Điện Thắng Trung đã trở thành trung tâm vùng kinh tế động lực phía bắc của Điện Bàn” - ông Phúc chia sẻ thêm.
Ông Phúc cho biết thêm, từ chỗ thu nhập chưa tới 20 triệu đồng/người/năm, đến nay thu nhập bình quân người dân Điện Thắng Trung đạt gần 27 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm dưới 4%. Điện Thắng Trung không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới song đến nay xã đã đạt 12/19 tiêu chí và một số tiêu chí gần đạt. Mục tiêu của Điện Bàn là trở thành thị xã vào năm 2015, do đó 5 xã ven Quốc lộ 1A, trong đó có Điện Thắng Trung tương lai sẽ trở thành đô thị, vì vậy địa phương sẽ phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành xã nông thôn mới theo hướng đô thị chung của huyện.
“Để xứng đáng là trung tâm kinh tế phía bắc của Điện Bàn, trong những năm tới ưu tiên hàng đầu của Điện Thắng Trung là tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp, nhân dân đầu tư phát triển CN-TMDV; đồng thời triển khai đầu tư chợ mới Thanh Quýt thành khu thương mại, phố chợ kiểu mới để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội” - ông Phúc cho biết.