Tưởng đã đổi đời
Do khí hậu giá lạnh, đất đai khô cằn… nên việc chăn nuôi, trồng trọt của người dân Phiêng Cằm năng suất rất thấp. “1ha ngô ở đây nếu làm tốt lắm cũng chỉ đạt 4-5 tấn/ha và chỉ trồng được một vụ. Cây lúa nương cũng chỉ cho 1,5 – 2 tấn/ha/năm. Chăn nuôi thì hay bị dịch bệnh nên người dân không có nguồn thu cao và ổn định”- bà Lường Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm cho hay.
Năm 2000, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi đó đã đến Phiêng Cằm và phát hiện lợi thế cây chè ở vùng đất này. Sau đó tỉnh Sơn La quyết định đầu tư xây dựng vườn chè giống gốc tại xã Phiêng Cằm với quy mô lên tới 200ha, với nhiều giống chè ngon nổi tiếng. Sau nhiều tháng trời bới đất, lật cỏ, làm quên ăn quên ngủ, 20ha chè đầu tiên đã hình thành. Từ đó, diện tích chè cứ tăng dần tới gần 70ha vào năm 2005.
Cả trăm người dân Phiêng Cằm ngày ấy đã có thêm nguồn thu không nhỏ từ những hợp đồng lao động với Công ty Dịch vụ và Phát triển chè Sơn La (Công ty Chè). Hàng chục hộ người Mông, người Thái ở đây trở thành công nhân của Công ty Chè. Chè ở Phiêng Cằm phát triển nhanh, đẹp đến không ngờ; hương vị đậm đà hơn hẳn những loại chè khác ở vùng Tây Bắc này.
“Không ít doanh nghiệp nước ngoài đã về đây tính chuyện liên kết phát triển vườn chè. Chúng tôi tưởng đã đổi đời từ đây…” – chị Cầm Thị Phương, dân bản Nong Tàu Thái (Phiêng Cằm) kể.
Nhưng rồi dự án vườn chè giống gốc Phiêng Cằm bị tỉnh “bỏ quên”. Vốn đầu tư không có, đường ô tô không thể sử dụng được, các doanh nghiệp tìm về liên kết làm chè cũng chạy mất dép… “Không vận chuyển được chè, giá chè thu mua rẻ, dân bắt đầu hoang mang. Thế là cây chè đi xuống” – ông Phùng Như Đoàn – Giám đốc Công ty Dịch vụ và Phát triển chè Sơn La tần ngần nhớ lại.
Xin giữ lại cây chè
Vẫn theo ông Đoàn, chuyện phá sản Công ty Chè đồng nghĩa với những vườn chè ở đây sẽ không còn nữa, vì không còn ai đỡ đầu cho người dân làm chè. Chúng tôi cũng tiếc công sức mình bỏ ra nhưng tiếc nhất là bà con mất một nguồn thu lớn và ổn định. Với giá chè búp tươi đang thu mua hiện nay (hơn 7.000 đồng/kg) thì 1ha chè đang cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. So với trồng ngô, sắn thì cây chè đang cho thu cao gấp 3-4 lần. Nếu được chăm sóc tốt, nguồn thu từ chè còn lớn hơn nhiều”.
Còn Chủ tịch UBND xã Giàng A Da tâm tư rằng: “Với xã vùng 3 đặc biệt khó khăn như Phiêng Cằm thì mỗi nguồn thu nhỏ cũng đã là rất quý, trong khi cây chè lại cho nguồn thu khá và bền vững. Công ty Chè là điểm tựa cho bà con. Cán bộ kỹ thuật cũng bảo rằng đất này, khí hậu này rất phù hợp với cây chè. Vì thế theo tôi thì Nhà nước đừng phá sản Công ty Chè mà nên cho cổ phần hóa để giúp người dân có thêm lợi thế xóa nghèo”.
Buổi tối ở Phiêng Cằm rất lạnh, nhưng trong xưởng chế biến chè hơi ấm vẫn ngập tràn bởi không khí lao động khẩn trương – nét làm việc công nghiệp hiếm hoi ở vùng cao nghèo này. Chàng công nhân trẻ Cầm Văn Tun dừng tay đảo chè, bảo với tôi: “Hơn 10 năm nay cả nhà cháu sống bằng nghề làm chè này. Cháu làm ở xưởng đây, còn mẹ cháu và những người khác thì chuyên hái chè, làm cỏ, bón phân cho chè. Thu nhập của cháu đạt 150 – 180 ngàn đồng/ngày. Nếu tới đây, Công ty Chè bị phá sản thì đời sống của nhà cháu và nhiều hộ khác sẽ rất khó khăn. Vậy nhờ các chú quen biết, nói giúp chúng cháu với…”.