Một lớp học trồng trọt với 70% nữ giới tham gia, nhưng sau đó có tới ½ số học viên nữ bỏ lớp. |
Tránh cách đào tạo áp đặt
Bình thường, các lớp dạy nghề nông dân chủ yếu thu hút nam giới. Tuy nhiên, ở những vùng nam giới di cư nhiều thì việc phụ nữ chiếm đa số trong các lớp học nghề là điều dễ hiểu. Cũng không loại trừ trường hợp tại địa bàn đó chỉ có giáo viên dạy 1-2 nghề cố định, hoặc có thể những người tổ chức các lớp dạy nghề nghĩ rằng nông dân nên học các nghề đó mà không cần biết người nông dân muốn học gì?
Như thông tin bài viết trên NTNN cho thấy, đa số phụ nữ tham gia học các nghề như bện chổi chít, trồng nấm và một số nghề liên quan đến nông nghiệp, còn nam giới thì tập trung học các ngành phi nông nghiệp. Nói về sự hạn chế của phụ nữ trong đào tạo nghề, Alvin Toffler - nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ đã có một nhận xét rất khái quát và đầy hình ảnh: “Nàng trở lại quá khứ, chàng hướng đến tương lai”. Câu này diễn đạt việc phụ nữ học các nghề gắn với nông nghiệp truyền thống, còn nam giới học các nghề phi nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại. Nam giới do vậy có tương lai hơn, còn phụ nữ sẽ phát triển chậm hơn.
Thực tế, lớp học nhiều nữ cũng chưa chắc đã là thực chất. Mới đây, lãnh đạo một trường cao đẳng tại Đà Nẵng – đơn vị tham gia dạy nghề cho nông dân – đã tỏ ra lo ngại về hiệu quả của các lớp dạy nghề: “Do mỗi buổi học được hỗ trợ 20.000 đồng nên người dân đi học đông, nhưng không hiếm trường hợp chồng vắng thì vợ hoặc con đi học thay. Đi để ghi tên lấy tiền”. Hiện tượng này, e rằng khó mà đạt được kết quả như mong đợi. Chỉ khi nào người nông dân có nhu cầu và thực sự thấy cần phải học lấy một nghề để kiếm sống, khi ấy các lớp dạy nghề cho nông dân mới không còn là hình thức.
Vẫn cần chú trọng dạy nghề cho
nữ nông dân
Có cơ sở để thấy rằng phụ nữ nông thôn cần được quan tâm đào tạo nghề hơn nam giới, ít nhất là ở mấy lý do: Một là, phụ nữ là “nhân vật chính” vì họ đảm nhận hầu hết các công việc trồng trọt, chăn nuôi; hai là, các vùng quê nam giới đi làm ăn xa, nếu có ở lại quê thì họ cũng dễ tìm kiếm việc làm và ít gặp rủi ro hơn phụ nữ; ba là, phụ nữ không chỉ gắn với nông nghiệp và nông thôn vì xu hướng “nữ hoá nông thôn” đang diễn ra; và phụ nữ thường gặp trở ngại nhiều hơn nam giới trong cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo do vẫn còn định kiến và thiên vị giới ở mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, trong dạy nghề cho phụ nữ, cần chú ý đến những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn. Có chính sách ưu tiên chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ trong các hộ gia đình có ruộng đất bị thu hồi.
Cũng nên lưu ý công tác tuyên truyền, giáo dục để nam giới tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các khoá tập huấn, đồng thời giúp phụ nữ nông thôn nhận thấy sự cần thiết của việc học nghề. Thực tế cho thấy, một bộ phận phụ nữ nông thôn còn có tâm lý an phận, không quan tâm đến việc tạo cho mình một kỹ năng, nghề nghiệp để ổn định cuộc sống. Trong các lớp học nghề, không ít lần chị em đề đạt: “Trưa rồi, chúng em xin nghỉ sớm để còn về cơm nước cho chồng con”. Với cách học như vậy thì dù lớp học toàn nữ thì sự hưởng lợi trong đào tạo của chị em cũng không đáng kể.n
PGS-TS Hoàn Bá Thịnh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số
và Công tác xã hội Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội